– Trong không khí vui mừng chào đón ngày phụ nữ Việt Nam, Khoa Viễn Thông 2 đã tổ chức buổi tọa đàm về “Việc làm cho sinh viên nữ ngành ICT” vào sáng thứ 5 ngày 26 tháng 10 năm 2017 tại hội trường 2A08, cơ sở quận 9, Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn Thông cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh (Học viện cơ sở).
– Các diễn giả của buổi tọa đàm này là 5 nữ quản trị ICT khả ái, trong đó có 02 là cựu sinh viên của Học viện cơ sở và hiện đều đang làm việc tại các công ty chuyên ngành về Thông tin – Truyền thông (ICT), đó là:
- Chị Trần Thị Trúc Minh, Phó phòng tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực, FPT Telecom.
- Chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Trưởng bộ phận Testing & BA, DXC Technology Services Vietnam.
- Chị Lê Thị Quỳnh Như, Trưởng nhóm kiểm thử, Robert Bosch Engineering (Cựu sinh viên PTITHCM khóa 2004).
- Chị Đặng Thúy Nhài, Customer Technical Manager, Ericsson (Cựu sinh viên PTITHCM khóa 2004).
- Chị Võ Thị Hồng Phương, Team Leader of Big Data, FPT Telecom.
– Tới dự buổi toạ đàm còn có TS. Tân Hạnh, Phó Giám đốc Học viện, Phụ trách cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh, PGS. TS. Võ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng khoa Viễn thông 2 và đông đảo các Thầy Cô Khoa Viễn Thông 2, Khoa Công Nghệ Thông tin 2 và đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình của các bạn sinh viên nữ chuyên ngành Điện tử – Truyền thông, Điện – Điện tử, Công nghệ thông tin và An toàn thông tin.
Năm diễn giả của buổi tọa đàm.
– Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã giới thiệu về những việc làm trong ngành ICT, chia sẻ kinh nghiệm làm việc, những khó khăn và thuận lợi đối với nữ sinh viên/kỹ sư khi tham gia công việc trong lĩnh vực ICT dưới góc nhìn của người tuyển dụng, quản lý nhân sự và trực tiếp làm công việc về ICT. Đồng thời, các diễn giả cũng trao đổi và lưu ý các vấn đề khi chuẩn bị hồ sơ xin việc và phỏng vấn.
– Các bạn sinh viên đã nêu ra rất nhiều các câu hỏi về việc làm cho sinh viên, nhất là sinh viên nữ, trong thời gian đang học cũng như sau khi ra trường như: “Việc làm thêm chuyên ngành ICT cho sinh viên khi đang học?”, “Công việc kỹ sư bán hàng có phù hợp với nữ không?” “Cần chuẩn bị gì để có thể xin việc vào vị trí thiết kế chip/testing/presale …?”, “Công việc kiểm thử phần mềm/phần cứng thì phù hợp với nữ hơn là các công việc khác?”, …
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi và giao lưu với diễn giả.
– Các diễn giả đã lắng nghe, chia sẽ những kinh nghiệm, ý kiến của mình và giải đáp các thắc mắc các bạn sinh viên với những ý chính như sau:
- Rất nhiều công ty về ICT hiện nay có các chương trình cho sinh viên làm việc bán thời gian ngay từ năm 3 như chương trình “Sinh viên công nghệ tập sự” của FPT Telecom; các công ty về IT như DXC Technology Services Vietnam, Robert Bosch Engineering đã nhận sinh viên làm việc ngay từ khi đang học. Các chương trình này không giới hạn nam hay nữ.
- Các công ty nước ngoài rất khuyến khích cân bằng tỷ lệ nam/nữ nhân viên trong công ty và có chế độ hỗ trợ rất tốt dành cho nữ nhân viên.
- Chương trình đào tạo của trường hiện nay đã cung cấp đủ cho sinh viên những kiến thức nền trong từng các chuyên ngành. Với kiến thức nền này, các công ty tuyển dụng sẽ đào tạo thêm cho nhân viên sau khi tuyển dụng để có thể đáp ứng được công việc theo yêu cầu của từng công ty.
- Kinh nghiệm khi tham gia vào các dự án, làm việc nhóm trong thời gian là sinh viên là một tiêu chí được đánh giá cao trong quá trình xét tuyển tại các công ty. Các ứng viên nên đưa các thông tin này vào trong đơn xin việc của mình ở mục kinh nghiệm làm việc bên cạnh các thông tin về bằng cấp, chứng chỉ …
- Để có thể có công việc tốt sau này, các bạn sinh viên cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, chú tâm vào việc học để có kiến thức nền tốt, trang bị cho mình những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và có tinh thần học hỏi để có thể tiếp thu được những công nghệ mới trong lĩnh vực ICT. Ngoài ra, nếu đã xác định công việc của mình sau này sẽ phải giao tiếp, làm việc với người nước ngoài thì các bạn phải học, trao dồi ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật, …) nhiều hơn nữa để có thể giao tiếp, làm việc tốt bằng ngoại ngữ.
- Đối với các bạn nữ, điều quan trọng là các bạn phải có sự định hướng, chuẩn bị tốt cho công việc sau này của mình và cần phải tự tin, “đừng nghĩ mình là nữ”. Ngành ICT, nhất là lĩnh vực IT, tại Việt Nam trong thời gian sắp tới cần rất nhiều nhân lực để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vấn đề là các bạn có đáp ứng được các yêu cầu về tuyển dụng như kiến thức nền được trang bị trong trường, tinh thần học hỏi, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh … hay không?
– Kết thúc buổi tọa đàm, Chị Trúc Minh đã trao 2 phần thưởng cho hai bạn có câu hỏi hay nhất. Đó là bạn Ngọc (D14CQVT02-N) và bạn Khang (D17CQVT01-N).
– Còn rất nhiều câu hỏi, những ý kiến chưa được nói hết trong buổi tọa đàm như Chị Quỳnh Như, cựu sinh viên PTIT khóa 2004, đã chia sẽ “Em và Nhài rất vui khi được về trường nói chuyện, chia sẽ kinh nghiệm với các bạn sinh viên. Nhưng em vẫn còn nhiều chia sẻ muốn nói với các bạn …”.
– Thay mặt Ban Tổ Chức, TS. Tân Hạnh đã cảm ơn tất cả các khách mời của buổi tọa đàm này và mong muốn sẽ còn nhiều dịp khác trong thời gian sắp tới được đón tiếp các khách mời của khoa Viễn Thông 2 nói riêng và Học viện nói chung đến để chia sẽ kinh nghiệm học tập và làm việc, định hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm giúp cho các bạn sinh viên tự tin hơn, hiểu rõ hơn về công việc sau này của mình trong ngành ICT. Thầy Tân Hạnh cũng cám ơn các bạn sinh viên trong ban tổ chức chương trình, các bạn trong Liên Chi Đoàn Khoa Viễn Thông 2 đã nhiệt tình tham gia và đồng hành cùng Khoa Viễn thông 2 trong việc tổ chức buổi tọa đàm này.
Thầy Tân Hạnh tặng hoa lưu niệm cho các diễn giả.
Hình chụp toàn thể lưu niệm.