– Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ thầy, cô giáo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cho ngành TT&TT nói riêng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017) tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
– Hôm nay, ngày 20/11, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017). Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT luôn luôn trân trọng và đánh giá rất cao sự tận tụy, nhiệt huyết của các thầy các cô đứng trên bục giảng vì sự tận tâm, tâm huyết của các thầy, các cô sẽ truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo cho các thế hệ sinh viên để các em sẽ là nguồn nhân lực vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Khẳng định PTIT là tổ chức nghiên cứu đào tạo hàng đầu của ngành TT&TT, Thứ trưởng cho rằng, Học viện đã mang trong mình sứ mệnh mới cùng với vị thế mới với những thách thức cũng như cơ hội mới. “Những thách thức, cơ hội mới này đang đòi hỏi Học viện phải nỗ lực vượt bậc hơn nữa, đổi mới hơn nữa, năng động và tự chủ hơn nữa để xây dựng Học viện trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia về CNTT-TT, đưa Học viện ngang tầm với các trường có uy tín trong khu vực và thế giới”, Thứ trưởng nói.
– Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT đánh giá rất cao thành tích của Học viện trong quá trình đổi mới hoạt động, đồng thời Bộ cũng ghi nhận những đóng góp của các thế hệ thầy, cô giáo Học viện trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cho ngành TT&TT nói riêng, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cùng lãnh đạo của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông qua các thời kỳ tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017)
– Theo Thứ trưởng, trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, những yêu cầu đặt ra đối với giáo dục đào tạo, với các trường đại học, các viện nghiên cứu rất khắt khe và đòi hỏi phải sự tăng cường liên kết hợp tác và hội nhập quốc tế. “Học viện là trường đại học công lập đầu tiên thực hiện tự chủ và Học viện cũng có thế mạnh mà không dễ trường đại học khác có được, đó là có 2 viện nghiên cứu và có cơ sở đào tạo ở 2 thành phố lớn của cả nước – hai đầu tàu kinh tế, 2 trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của cả nước. Đây cũng là lợi thế rất lớn mà Bộ TT&TT mong Học viện phát huy để tạo ra sức mạnh KH&CN của Học viện, đồng thời liên kết với các cơ sở nghiên cứu đào tạo khác để sử dụng dung nguồn lực KH&CN của cả nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khẳng định, phương châm lấy “Người học làm trung tâm” đã trở thành kim chỉ nam để Học viện đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.
– Trong diễn văn chào mừng lễ kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, TS. Vũ Văn San, Giám đốc Học viện cũng khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy và trò của Học viện đã phấn đấu không mệt mỏi vì sự phát triển của nhà trường. “Từ chỗ ban đầu là một trường đào tạo cán bộ có quy mô nhỏ, lực lượng cán bộ, giảng viên mỏng, đến nay Học viện đã trở thành một đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của Quốc gia trong lĩnh vực TT&TT. Sức hút của Học viện đối với xã hội tiếp tục tăng cao với tỷ lệ điểm chuẩn đầu vào luôn duy trì ở Top các trường đại học uy tín của đất nước; kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên được đánh giá thực chất; nhiều sinh viên đạt các giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic Quốc gia, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành được đào tạo luôn đạt trên 93%”, TS. Vũ Văn San chia sẻ.
– Hoạt động đào tạo của Học viện cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về qui mô số lượng, hệ đào tạo và bậc đào tạo. Đến nay, Học viện đã đào tạo 9 ngành ở bậc đại học với 20 chuyên ngành, 5 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ, 5 chuyên ngành đào tạo Tiến sĩ. Từ mái nhà Học viện đã có hàng trăm Tiến sĩ, hàng ngàn Thạc sĩ và hàng vạn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp. Nhiều người trong số họ đã trở thành cán bộ khoa học đầu đàn, các nhà quản lý nghiên cứu, sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều cán bộ chủ chốt của bộ, ban, ngành và các địa phương.
– TS.Vũ Văn San cho biết, phương châm lấy “Người học làm trung tâm” đã trở thành kim chỉ nam để Học viện đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với chuyển từ hình thức đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, hệ thống chương trình, giáo trình thường xuyên được đổi mới. Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy.
– Cụ thể, Học viện đã công bố và cam kết chuẩn đầu ra cho người học. Các chuẩn về tiếng Anh, kỹ năng mềm luôn được bồi dưỡng cho học viên, sinh viên. Đồng thời, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đã từng bước được hiện đại, phục vụ kịp thời cho công tác đào tạo; hệ thống học liệu, thư viện điện tử, phòng Lab đã đáp ứng được nhu cầu thực hành của sinh viên; các hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng cả đối tác và lĩnh vực hợp tác, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
– Nhận thức rõ trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho Học viện là rất nặng nề, TS.Vũ Văn San cho rằng, Học viện sẽ không chỉ phải giữ vững thương hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các bậc và ngành đào tạo mà còn cần phải nâng lên một tầm cao mới, xứng đáng với vị thế của trường đại học trực thuộc Bộ TT&TT.
– “Với Học viện, sự trưởng thành ngày hôm nay và mai sau luôn có công sức của các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên qua các thời kỳ. Dù cho những điều kiện đáp ứng yêu cầu chung của Học viện vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện, bồi đắp, song với sự quyết tâm của toàn thể Học viện, sự sẻ chia, cùng vượt khó của quý thày, cô, CBCNV, nhà trường sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình ngay trong năm học này và những năm sắp tới”, TS.Vũ Văn San cho hay.
M.T
Nguồn: ictnews.vn