– Ngày 03/11/2017, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đã diễn ra Hội nghị nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư, cử nhân an toàn, an ninh thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban điều hành triển khai Đề án 99 tổ chức. Thứ trưởng Phan Tâm chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ sở đào tạo tham gia Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”(Đề án 99) và một số cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị
– Năm nay là năm thứ 3 triển khai Đề án 99, Bộ TT&TT sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ sơ kết tình hình thực hiện Đề án đến hết năm 2017. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải thu hút đầu vào chất lượng cao. Do đó, nhiệm vụ xương sống của Đề án 99 là tạo hành lang pháp lý và cơ chế ưu đãi cho các cán bộ làm ATTT trong cơ quan nhà nước. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo triển khai Đề án 99, cho đến nay, đã có 8 cơ sở đào tạo trọng điểm được phê duyệt chủ trương mỗi trường có 1 đề án nâng cấp cơ sở vật chất: 4 cơ sở đã làm được được, 4 cơ sở đang gặp khó khăn.
– Tại Hội nghị, PGS.TSKH Hoàng Đăng Hải, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, là 1 trong 8 cơ sở giáo dục đại học tham gia vào Đề án 99, Học viện chính thức đào tạo ngành An toàn thông tin từ năm 2013, là trường Đại học đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép mở ngành đào tạo đại học cấp bằng kỹ sư ngành An toàn thông tin. Đến nay, Học viện có khoảng gần 1000 sinh viên hệ chính quy ngành An toàn thông tin. Học viện đã tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng kỹ năng An toàn thông tin chuyên sâu cho sinh viên; Một số lớp chuyên sâu CEH, MiniCCNA… Học viện đã phối hợp với tổ chức ISC2 về đào tạo khóa chuyên gia quản lý ATTT chuyên nghiệp CISSP… Học viện đã tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin; đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đã thành lập Lab nghiên cứu chuyên sâu về an toàn thông tin từ tháng 9/2016.
Toàn cảnh Hội nghị
– Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm hoan nghênh nỗ lực, cố gắng của các trường trong triển khai các nhiệm vụ được giao theo Đề án. Có thể nói, đây là một trong những Đề án đang được triển khai tích cực, đem lại hiệu quả rõ rệt trong thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, tăng cường tính chủ động trong công tác bảo đảm ATTT cho đất nước. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn phải nỗ lực nhiều mới có thể đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí còn đứng trước rủi ro không đạt được vì nguồn lực không đảm bảo.
– Về những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng yêu cầu các trường phác thảo đề án tuyển sinh về ATTT, thống kê cụ thể số lượng giảng viên, từ đó xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi giảng viên giữa các trường trong bối cảnh đội ngũ giảng viên ATTT thiếu về số lượng. Đồng thời, các trường cũng cần ngồi lại bàn thảo, xây dựng thời gian biểu, chia sẻ dùng chung phòng lab về ATTT để tạo điều kiện cho sinh viên ATTT các trường chưa có phòng lab được thực hành.