Năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức tuyển sinh ngành ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá theo định hướng Robot và trí tuệ nhân tạo tại cơ sở đào tạo phía Bắc. Đây là một lĩnh vực rất mới mẻ và đầy tiềm năng, nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp, xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá theo định hướng Robot và trí tuệ nhân tạo tại Học viện sẽ tập trung vào cung cấp các kiến thức cơ – điện tử, thiết kế, lập trình Rô bốt, các lý thuyết điều khiển hiện đại, các giải pháp ứng dụng học sâu, trí tuệ nhân tạo giúp Rô bốt và các thiết bị điều khiển thông minh hơn.
Để xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá theo định hướng Robot và trí tuệ nhân tạo, Học viện đã có sự hợp tác với một số trường Đại học tại Nhật Bản để mang lại những điều khác biệt cho sinh viên, trong đó có trường Đại học Guma, Trường đại học hàng đầu về lý thuyết điều khiển và thiết kế, chế tạo robot tại Nhật Bản. Với chương trình hợp tác này, các sinh viên theo học Ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa không chỉ có cơ hội dành đc 20 suất học bổng toàn phần trao đổi sinh viên tại Nhật Bản mà còn được thực tập tại các công ty lớn, công ty nước ngoài tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Học viện cũng đã và đang phối hợp với các trường Đại học tại Nhật Bản triển khai xây dựng các chương trình liên kết đào tạo ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa theo các hình thức (3 + 1.5), (2.5 + 2), (2 + 2.5). Sinh viên vừa học tại Việt Nam vừa có thời gian từ 1,5 năm – 2.5 năm taị Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể chuyển tiếp lên học Thạc sĩ, Tiến sĩ nhiều chuyên ngành gần.
Ngoài ra, khi được hỏi về tương lai ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Giáo sư Kou Yamada, nguyên Phó hiệu trưởng trường Công nghệ kiêm Giám đốc chương trình đào tạo lĩnh vực lý thuyết điều khiển, tự động hóa, IoT, AI, Đại học Gunma (Nhật Bản) có chia sẻ: “Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là lĩnh vực cốt lõi và có vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển và nghiên cứu công nghệ, chế tạo các sản phẩm công nghệ cao, thiết bị tinh xảo cùng với độ chính xác cao. Nhu cầu về nguồn nhân lực lĩnh vực này đối với Nhật Bản luôn cao và có lợi thế cạnh tranh lớn. Đối với Việt Nam, một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, các bạn cần chuẩn bị một nguồn nhân lực đủ lớn, đủ mạnh về Điều khiển và Tự động hóa để phục vụ quá trình sản xuất công nghệ cao, kỹ thuật chuyên sâu”.
Khi được hỏi về định hướng “Rô bốt và Trí tuệ nhân tạo” trong Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Giáo sư Yamada đặc biệt phấn khởi và khẳng định rằng: “Rô bốt và Trí tuệ nhân tạo là lựa chọn tốt, rất phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đất nước Nhật Bản đang rất “khát” nhân lực trong lĩnh vực này, nhu cầu lên đến hàng chục nghìn kỹ sư. Còn đối với Việt Nam, trong vài năm tới, công nghiệp và sản xuất tự động phát triển hơn nữa thì các kỹ sư theo định hướng này sẽ là của hiếm, tài sản quý của mọi doanh nghiệp”.
Trước đó, vào năm 2020, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã mở ngành đào tạo Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa tại Học viện Cơ sở tại TP Hồ Chí Minh.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa xem thêm tại: https://daotao.ptit.edu.vn/nganhhoc/7520216
https://ptithcm.edu.vn/tuyen-sinh/dong-gop-cua-ky-thuat-dieu-khien-va-tu-dong-hoa.html