– Chiều 20.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh chủ trì cuộc họp với Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và Viện Nghiên cứu Chính phủ điện tử e-Governance Acdemy, Estonia và eGA tại Việt Nam để nghe giới thiệu về chương trình hợp tác, nghiên cứu, triển khai thử nghiệm về thành phố thông minh và Chính phủ điện tử.
PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại cuộc họp
– Tại cuộc họp, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và Viện Nghiên cứu Chính phủ điện tử e-Governance Acdemy, Estonia và eGA tại Việt Nam đã giới thiệu với tỉnh Quảng Nam một số chương trình cấp nhà nước về Chính phủ điện tử, các giải pháp về khoa học – công nghệ mà các đơn vị đã hợp tác triển khai.
– Cụ thể, phía Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đến nay đã triển khai các chương trình: giải pháp du lịch thông minh ứng dụng công nghệ thực tại ảo và thực tại tăng cường cho huyện Nam Trà My; giải pháp quản lý gen sinh học và bảo vệ thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh; giải pháp IoT cho nông nghiệp và tương tác thông tin cho nông nghiệp nông thôn; cung cấp giải pháp đào tạo cán bộ dựa trên nền tảng các phần mềm di động, e-learning tương thích khung năng lực, ezCheck – chứng minh thư của từng sản phẩm… Về triển khai Chính phủ điện tử, đơn vị này cam kết không chỉ đứng ra tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ, mà còn hỗ trợ tỉnh trong việc đào tạo chuyển giao đến đội ngũ công nghệ thông tin nhằm đảm bảo quá trình triển khai được thông suốt.
– Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, Chính phủ điện tử vốn đã áp dụng khá lâu, không còn mới ở nước ta, bởi nhiều nơi trên cả nước đã áp dụng. Ở Quảng Nam, việc triển khai Chính phủ điện tử chỉ mới ở giai đoạn thô sơ, cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Về giải pháp kỹ thuật hay tính bảo mật thông tin, an ninh mạng, đây là vấn đề liên quan đến chuyên môn, không khó trong thực hiện. Song, vấn đề tỉnh quan tâm là các đơn vị cần làm rõ được ưu thế của giải pháp kỹ thuật mà các đơn vị cung ứng là gì, làm sao để việc triển khai dễ dàng, đồng bộ, cụ thể. Cần làm rõ, Chính phủ, địa phương, các sở, ban ngành của tỉnh phải làm những điều gì, cần đi theo lộ trình nào, bắt đầu từ đâu và cần cái gì.
– “Đây là thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển Chính phủ điện tử càng sớm càng tốt, góp phần cải cách hành chính, giảm công sức, thời gian của cán bộ, người dân và doanh nghiệp, tăng sự hài lòng của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Song, để triển khai giải pháp, các bên phải bắt tay xây dựng khung phần mềm dùng chung, phải khảo sát hiện trạng, xây dựng kế hoạch, xem vướng mắc bắt đầu từ đâu, nguồn lực đầu tư giải pháp cũng phải căn bản, vừa tầm của tỉnh. Giao Sở TT&TT là cơ quan đầu mối, hợp tác với các bên để thảo luận chi tiết, cụ thể, xây dựng kế hoạch để các sở, ban ngành thảo luận, góp ý, trình UBND tỉnh thống nhất phương án” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.
HOÀNG LIÊN
Trích nguồn: http://baoquangnam.vn