Vừa qua ngày 16/12/2023 tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ Cao – TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra chương trình Hội thảo “ Vi mạch bán dẫn – Cơ hội và Thách thức”. Đặc biệt, tại Hội thảo lần này có sự tham luận chính bởi giảng viên Phạm Thế Duy – Trưởng Bộ môn Điện tử máy tính Khoa Kỹ thuật Điện tử 2 đến từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh.
Vi mạch bán dẫn hiện được xem là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, đóng vai trò cốt lõi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tại Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được định hướng trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Tại Hội thảo lần này các bạn trẻ được tìm hiểu thêm về các dự án thực tế, cùng sự tư vấn định hướng nghề nghiệp từ các chuyên gia để có thể lập kế hoạch trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng hiệu quả, nâng cao giá trị bản thân để có được việc làm tốt và phù hợp nhất.
Trong chương trình giảng viên Phạm Thế Duy – Trưởng Bộ môn Điện tử máy tính Khoa Kỹ thuật Điện tử 2 – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã có những chia sẻ giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn tại Học viện Cơ sở. Chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn tại Học viện được thiết kế theo xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay. Trong đó, ở môn chuyên ngành các bạn sẽ được học về thiết kế vi mạch số, thiết kế kế mạch tương tự, thiết kế mạch tần số cao và thiết kế mạch tín hiệu trộn. Theo đó, Học viện cũng có kế hoạch mở rộng quy mô đào tạo ngành vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, tạo ra nhiều kỹ sư giỏi có trình độ chuyên môn tốt và tay nghề cao.
Qua tham luận, giảng viên Phạm Thế Duy cho biết hiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đang có nhiều chương trình đào tạo nghiên cứu và hợp tác cùng các doanh nghiệp lớn trong nước cũng như quốc tế về vi mạch bán dẫn như: ARM (Tập đoàn vi mạch lớn nhất thế giới thuộc Vương quốc Anh), SAMSUNG cung cấp một số thiết kế IP cơ bản cho PTIT phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy; hợp tác với Viettel trong việc thực hiện chương trình đào tạo và thiết kế vi mạch RF, vi mạch Analog…Ngoài ra sinh viên Học viện Cơ sở đã và đang làm việc cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: SDS – eSilicon – Synopsys; Renesas; Arrive Technology – Marvel; Bosh Global Software technologies; Samsung; VNPT – Viettel – FPT Software…
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hiện là một trong những đơn vị hàng đầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn. Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho quá trình phát triển công nghiệp hiện nay.
Qua chương trình Hội thảo “Vi mạch bán dẫn Cơ hội và Thách thức” là dịp để các bạn trẻ được học hỏi và tiếp thu các thông tin, kiến thức quan trọng cũng như xu hướng phát triển nhân lực từ những chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Từ đó, giúp các bạn có những định hướng phát triển phù hợp cho tương lai, nhất là với các bạn có ý định phát triển sự nghiệp theo các chuyên ngành đón đầu công nghệ hiện nay như điện tử, tự động hoá, vi mạch bán dẫn.