Sáng 15/10/2021, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) trang trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021 – 2022 với gần 1.200 đại biểu khách mời, thầy cô giáo, đại diện nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên tham dự trên nền tảng họp trực tuyến và được livestream.
Lễ khai giảng trên không gian số nguyên vẹn niềm vui
Phát biểu chào mừng khai giảng năm học mới của Học viện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: “76 năm qua kể từ ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam, chúng ta đã hình thành một thói quen là được gặp nhau trong khung cảnh hân hoan của ngày tựu trường. Nhiều cử chỉ bắt tay, nhiều cái ôm thân tình và vô vàn nụ cười thật tươi của các bạn tân sinh viên và các thầy cô giáo. Và rồi COVID-19 đến, thế giới phải chuyển sang một trạng thái bình thường mới và như vậy, chúng ta ngày hôm nay cùng nhau tham dự một lễ khai giảng theo một cách thật đặc biệt, lễ khai giảng trực tuyến. Lễ khai giảng không gặp mặt. Lễ khai giảng trên một không gian mới, không gian số nhưng vẫn nguyên vẹn niềm vui, hân hoan và hạnh phúc”.
Theo Thứ trưởng, đây là lễ khai giảng đặc biệt của một trường đại học đang tiên phong chuyển đổi số (CĐS) giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ở Việt Nam. Học viện cũng đang thực sự thay đổi để xây dựng thành học viện đạt top 100 châu Á và top 5 Đông Nam Á về đào tạo nhân lực công nghệ số chất lượng cao vào năm 2030, góp phần đưa đất nước chúng ta trở thành một nước phát triển, thu nhập cao khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước vào năm 2045.
Thứ trưởng cũng chia sẻ Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) vừa bế mạc Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2021, một sự kiện thường niên lớn nhất có quy mô toàn cầu với 193 quốc gia thành viên được tổ chức trực tuyến theo sáng kiến của Việt Nam trên nền tảng công nghệ do Việt Nam làm chủ và chủ đề của Hội nghị là “Cùng nhau xây dựng Thế giới số (Building Digital World together)”.
“Trong công cuộc xây dựng một Việt Nam số kiên cường, phát triển xanh, phát triển nhanh, bền vững để đem lại hạnh phúc cho mọi người dân phồn vinh và hùng cường cho đất nước. Giải pháp ở đây là CĐS, là nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao mà Học viện có trọng trách chuẩn bị cho đất nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cơ hội trải nghiệm mô hình thí điểm về đại học số đầu tiên tại Việt Nam
Trước năm học mới, cơ hội mới, PGS. TS. Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT cho biết: CĐS rút ngắn khoảng cách về địa lý, phá bỏ các rào cản, mang lại những cơ hội và sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
“Chúng ta đã có những nền tảng, những ứng dụng CNTT và CĐS giúp cho việc giảng dạy và học tập được thuận lợi hơn, mang lại cho chúng ta cơ hội trải nghiệm mô hình thí điểm về đại học số đầu tiên tại Việt Nam do chính các thầy cô thân yêu của Học viện Công nghệ BCVT tạo dựng”.
Thông qua sản phẩm App PTIT-Slink, Học viện đã có một mạng kết nối nội bộ riêng của sinh viên và giảng viên, nơi mà chúng ta không chỉ kết nối với nhau mà còn cá nhân hóa đến từng sinh viên, nơi mà nhà trường và sinh viên cùng tương tác, rút ngắn khoảng cách vô hình giữa nhà trường và sinh viên.
Học viện đã có nền tảng thực hành ảo D-Lab giúp sinh viên được học tập mọi lúc, mọi nơi; không còn quá phụ thuộc vào sự hướng dẫn trực tiếp trên lớp của các thầy cô, sinh viên có thể chủ động và cá nhân hóa lộ trình học tập; hệ thống quản lý đào tạo PTIT-DU; hệ thống quản lý văn bằng blockchain.
100% sinh viên, nhất là tân sinh viên và gia đình từ các miền đất nước năm nay không phải đến trường trong đợt dịch COVID-19 này để đăng ký nhập học và làm các thủ tục và giao dịch, đó là nhờ Học viện vừa triển khai thành công việc tuyển sinh và nhập học số trực tuyến….
Với sứ mệnh “sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội thông qua việc gắn kết các hoạt động GD&ĐT nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực TT&TT đáp ứng thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước”, PGS. TS. Vũ Văn San nhấn mạnh “Học viện luôn hướng đến mục tiêu đào tạo lấy người học làm trung tâm”.
“Học viện sẽ tiếp tục cam kết và mang đến sự hài lòng, yên tâm cho tất cả các em sinh viên về chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy, đảm bảo cho sinh viên điều kiện học tập tốt nhất và môi trường sư phạm giàu tính nhân văn, đậm đà tính văn hóa; về môi trường ứng dụng CNTT và CĐS linh hoạt, áp dụng công nghệ mới”.
Trao đổi với các tân sinh viên, Giám đốc Học viện chia sẻ: “Các em đang ở những ngày đầu tiên ở bậc đại học, còn nhiều bỡ ngỡ; phía trước các em là một chặng đường đầy khó khăn và thử thách, bởi sự phát triển quá nhanh của CNTT và truyền thông (ICT), những công nghệ mà đất nước đang và sẽ chờ đợi các em vận dụng sáng tạo vào phát triển nền kinh tế số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), ATTT, và được lai ghép vào các ngành kinh tế-xã hội như thương mại điện tử, fintech, logistics, tiếp thị số, báo chí số… đang được giảng dạy tại Học viện”.
Theo đó, Giám đốc Học viện mong muốn: “Các em phải xác định cho mình một thái độ và động cơ học tập đúng đắn, đó là học để làm việc, cho chính bản thân mình, học để tự lập nghiệp và làm giàu chính đáng cho bản thân, học để góp phần nhỏ bé của mình vào xây dựng quê hương, đất nước”.
Đặc biệt, với sự chuyển mình mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, và ứng dụng CNTT và CĐS của đất nước, Giám đốc Học viện đề nghị: “Các em không thể đứng ngoài cuộc, để không bị tụt lại phía sau, các em phải nâng cao ý thức tự giác học hành, nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ, vận dụng CĐS của Học viện vào việc học của mình, trải nghiệm các tính năng như: PTIT S-Link, hệ thống thực hành ảo D-Lab”.
Bên cạnh đó, các em nên tận dụng các cơ sở số của Học viện như phòng lab 4G Viettel, lab Samsung, trung tâm trí tuệ nhân tạo Naver (Naver AI center), phòng lab FPT Telecoms, hệ thống ATTT… để học luôn đi đôi với hành một cách hiệu quả, sáng tạo nhất, áp dụng những kiến thức mới đó vào đời sống thực tế.
Cơ hội học hỏi và phát triển rất lớn
Thay mặt cho 3.500 tân sinh viên Học viện, em Trần Phương Nhi, D21AT4 cho biết là thí sinh tuyển thẳng vào Học viện với giải ba môn Tin học kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2020, em đã chọn Học viện Công nghệ BCVT trở thành điểm đến tiếp theo trên chặng đường của mình.
Nhi chia sẻ có thể Học viện chưa phải là cái tên nổi bật nhất trong danh sách đăng ký xét tuyển của nhiều bạn thí sinh lớp 12 nhưng với em, như một cơ duyên, khi tìm hiểu về công nghệ blockchain thì em đã biết được Học viện hiện nay là một trong những trường đầu tiên có phòng lab nghiên cứu về lĩnh vực này. Sau khi tìm hiểu thêm về các phòng lab tại trường, em thấy cơ hội để mình có thể học hỏi và phát triển là rất lớn.
Trần Phương Nhi chia sẻ, lựa chọn trường đại học là lựa chọn giảng viên hướng dẫn định hướng phát triển chuyên môn, cùng với đó là một môi trường thật tốt cho gần 5 năm học đại học. Và Nhi tin tưởng rằng Học viện Công nghệ BCVT có thể mang đến cho mình những cơ hội ấy.
“Em tin rằng trong con đường nghiên cứu và học tập phía trước, các thầy cô giáo của Học viện sẽ sẵn sàng sát cánh cùng sinh viên trong quá trình chinh phục bản thân và chinh phục tri thức mới”, Nhi chia sẻ.
Là thủ khoa kép cả đầu vào và ra của Học viện, em Nguyễn Đình Thắng, sinh viên tốt nghiệp Học viện năm học 2020 – 2021 cho biết sẽ tiếp tục đặt ra các mục tiêu khác cho bản thân để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
“Trong thời gian tới, em biết sẽ có những thách thức, khó khăn nhưng em tin rằng với những kiến thức đã học được trong nhà trường, sự nỗ lực của bản thân, những trải nghiệm sắp tới sẽ là đáng giá”, Thắng bày tỏ./.
Nguồn: https://ictvietnam.vn/