– Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, những kết quả nghiên cứu, đào tạo đáng khích lệ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) 20 năm qua đã góp phần đưa ngành TT&TT trở thành một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có sự tham dự của các lãnh đạo ngành Bưu điện (nay là ngành TT&TT) qua các thời kỳ (Ảnh: Đình Dũng)
– Hôm nay, 16/9/2017, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1997 – 2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
– Được kết nối cầu truyền hình trực tiếp giữa 2 cơ sở đào tạo của Học viện tại Hà Nội và TP.HCM, buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải; nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp; nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá; nguyên quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Nguyễn Huy Luận; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Pavathaneni Harish; Tham tán Văn hóa Giáo dục – Đại sứ quán Lào tại Việt Nam Amphavanh Kouangmanivanh; Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các Bộ TT&TT, KH&CN, GD&ĐT, LĐTB&XH… cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên, nghiên cứu viên đã và đang công tác, giảng dạy, học tập và nghiên cứu tại Học viện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe giới thiệu một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của thầy trò Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Ảnh: Đình Dũng)
– Khẳng định sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng như sự nghiệp phát triển Bưu chính Viễn thông, CNTT nước nhà đã có được những bước phát triển rất đáng tự hào, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Học viện sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt là phải làm sao để các hoạt động giáo dục đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học hướng mạnh vào việc đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn bày tỏ sự tin tưởng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về CNTT&TT của đất nước, trong khu vực và thế giới (Ảnh: Đình Dũng)
– Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, kết quả hoạt động Giáo dục Đào tạo (GDĐT) và Khoa học Công nghệ (KHCN) những năm vừa qua là minh chứng sinh động và cụ thể cho sự thành công của Học viện.
– Theo đánh giá của Bộ trưởng, sau 20 năm phát triển, đến nay Học viện đã trở thành một cơ sở đào tạo bậc đại học có uy tín, một Trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao, một cơ sở đánh giá và thẩm định khoa học có uy tín trong và ngoài nước. “Trải qua 20 năm, Học viện đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành TT&TT của nước nhà. Những kết quả nghiên cứu, đào tạo rất đáng khích lệ của nhà trường đã góp phần đưa ngành TT&TT trở thành một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao tặng bức trướng lưu niệm của Bộ TT&TT cho đại diện lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Ảnh: Đình Dũng)
– Bộ trưởng nhận định, với vai trò là cơ sở đào tạo chuyên ngành lớn của cả nước, thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ có trình độ cao cho toàn ngành, Học viện còn đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học. Trong những năm vừa qua, Học viện đã chủ động, sáng tạo lấy hoạt động nghiên cứu khoa học làm nòng cốt để duy trì và nâng cao năng lực đội ngũ và chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín với nhiều cơ quan, tổ chức trong xã hội.
– Đồng thời, Học viện cũng đưa kết quả của các hoạt động này vào trong các giáo trình, bài giảng để truyền tải những thành tựu của thực tiễn ứng dụng, nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Sự gắn kết chặt chẽ giữa kiến thức trong bài giảng và thực tế triển khai trong thực tiễn đã làm cho chương trình đào tạo của Học viện có được sự khác biệt so với nhiều chương trình đào tạo của một số trường đại học khác. Ngoài ra, Học viện cũng chủ động đưa ra các ngành Đào tạo đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội như Công nghệ Đa phương tiện, An toàn thông tin, Truyền thông Đa phương tiện…
– Theo Giám đốc Học viện Vũ Văn San, về hoạt động đào tạo, sau 20 năm phát triển, từ chỗ chỉ có 1 ngành Viễn thông được đào tạo đại học chính quy đầu tiên, đến nay Học viện có 9 ngành, trong đó có những ngành mới như An toàn thông tin, Công nghệ đa phương tiện và Truyền thông đa phương tiện. Đào tạo sau đại học cũng được mở rộng, đến nay Học viện có 5 chuyên ngành đào tạo cho cả trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ. ”Việc tuyển sinh hàng năm, nhất là thời gian gần đây có những khó khăn với nhiều trường đại học. Ngược lại, Học viên ngày càng thể hiện là trường đại học có sức hút sinh viên vào học. Khi mới thành lập có chưa đầy 100 sinh viên mỗi năm. Từ 2000 – 2007, hàng năm chỉ tuyển 300-400 sinh viên, và tổng lưu lương sinh viên và học viên khoảng gần 2000. Đến nay, nhất là vài năm gần đây, hàng năm tuyển trung bình hơn 3.000 sinh viên, và lưu lượng sinh viên đang học tập tại Học viện lên đến 15.000. Đặc biệt, điểm đầu vào khá cao dao động từ 21-25 điểm ở phía Bắc, và 19-23,75 phía Nam, trong đó ngành CNTT luôn có điểm cao nhất. Số nghiên cứu sinh các năm đầu của học viện hàng năm chỉ 5-7 thì nay đã khoảng 20nghiên cứu sinh hàng năm”, ông San cho hay.
– Với hoạt động nghiên cứu khoa học, Học viện luôn là cơ sở nghiên cứu đầu ngành CNTT-TT, phát huy tính chủ động, tiên phong trong nghiên cứu công nghệ mới. Từ chỗ chỉ nghiên cứu về công nghệ mạng viễn thông và máy tính khi mới thành lâp; nay Học viện đã đa dạng hóa sản phẩm nghiên cứu phù hợp với xu thế mới phát triên hướng nghiên cứu sang di động 4G/LTE và 5G, công nghệ IoT, ứng dụng cho thành phố thông minh… và đang hướng tới cuộc cách mạng 4.0. Học viện cũng là đơn vị chủ yếu xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm cho ngành; đề xuất các ứng dụng thực tiễn trên mạng lưới… Số các bài báo khoa học của Học viện xuất hiện nhiều trên các tạp chí có chất lượng trong nước, tạp chí quốc tế như ISI và Scopus.
– Cùng với đó, hợp tác trong nước và quốc tế của Học viện gần đây cũng đã được mở rộng, từ chỗ chỉ hợp tác ban đầu với Viện Hàn quốc, với Nhật Bản, Nga, Trung quốc; đến nay Học viện đã mở rộng quan hệ hợp tác thêm với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu nhiều nước tại Mỹ, Ấn Độ, Úc, các nước châu Âu, và khu vực ASEAN.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã phát động đợt quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão số 10 (Ảnh: Đình Dũng)
– Cũng trong phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành TT&TT đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với sự hội tụ của nhiều công nghệ, trong đó cốt lõi là CNTT-TT với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ, công nghệ trên nền tảng Internet. CNTT-TT đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
– “Với thời cơ lớn và vận hội mới, để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được, không ngừng đổi mới, sang tạo; kế thừa và phát triển trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Học viện cần có những bước đi chủ động và sáng tạo hơn nữa, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội để hoạt động KHCN thực sự trở thành hạt nhân, đòn bẩy cho hoạt động GDĐT, nhanh chóng đưa Học viện trở thành trường trọng điểm quốc gia về ICT, tương xứng với vị thế, tiềm năng của Học viện cũng như xứng đáng với kỳ vọng của lãnh đạo các cấp, của các thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện”, Bộ trưởng yêu cầu.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT trao tặng Học viện khoản tài trợ phòng học chất lượng cao trị giá 100 triệu đồng (Ảnh: Đình Dũng)
– Cùng với việc chỉ đạo rõ 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm Học viện cần tập trung triển khai trong giai đonạ trước mắt để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, Bộ TT&TT luôn theo sát, ủng hộ Học viện, sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị trong toàn ngành tích cực phối hợp với Học viện tổ chức các buổi học thực hành, tọa đàm, hội thảo, cập nhật kiến thức, xây dựng các phòng thí nghiệm (LAB) về CNTT cho các giảng viên trẻ cũng như đội ngũ sinh viên của Học viện.
“Tôi tin tưởng rằng với truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, với đội ngũ các thầy cô giáo, các nhà khoa học năng động và tâm tâm huyết, giàu trí tuệ, với đội ngũ cán bộ công chức hết lòng vì sự nghiệp chung, với sự quyết tâm, đam mê, sáng tạo của các sinh viên, Học viện sẽ rở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về CNTT&TT của đất nước, trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo: ictnews.vn