Yêu cầu đầu tiên khi tham gia mạng xã hội hay sử dụng các dịch vụ trực tuyến như mua sắm hàng hóa, di chuyển, thanh toán, điện toán đám mây (Cloud)… chính là cung cấp thông tin. Đây là nguồn dữ liệu để các doanh nghiệp nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều lỗ hổng trong việc bảo mật thông tin.
Chính vì vậy mà những năm gần đây, ngành An toàn thông tin được rất nhiều bạn học sinh tìm hiểu và mong muốn được theo học. Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngành An toàn thông tin phù hợp với ai, nhu cầu nhân lực ra sao và cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào, để bạn có thể dễ dàng đưa ra quyết định đúng đắn.
1/ Ngành An toàn thông tin phù hợp với ai?
Bạn có thể hiểu một cách đơn giản, An toàn thông tin là thuật ngữ dùng để chỉ việc bảo vệ thông tin số và các hệ thống thông tin chống lại các nguy cơ tự nhiên, các hành động truy cập, sử dụng, phát tán, phá hoại, sửa đổi và phá hủy bất hợp pháp nhằm đảm bảo cho các hệ thống thông tin thực hiện đúng chức năng, phục vụ đúng đối tượng một cách sẵn sàng, chính xác và tin cậy.
Cũng giống như ngành Công nghệ thông tin, ngành An toàn thông tin cần người có khả năng chuyên môn, có khả năng chịu được áp lực công việc; có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, thận trọng, tỉ mỉ và chính xác trong công việc; có tư duy hệ thống và tư duy phân tích; có khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm, hội nhập được trong môi trường quốc tế. Tất cả yêu cầu trên bạn sẽ được trang bị và đào tạo khi đang theo học, chỉ cần bạn có có kiến thức tốt các môn Toán, Tin ở bậc THPT, đam mê lĩnh vực máy tính, yêu thích công nghệ, ham học hỏi và thích sáng tạo.
2/ Nhu cầu nhân lực?
Theo thống kê của Bkav, số lượng máy tính bị mất dữ liệu trong năm 2019 lên tới 1,8 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2018. Không những vậy, theo dự báo của Microsoft, với hơn 75 tỷ thiết bị thông minh dự kiến được sử dụng trên toàn cầu vào năm 2020, các lỗ hổng như phần mềm cũ, thiết bị không bảo mật… có thể tiếp tay cho những hacker xâm nhập hệ thống dữ liệu. Đồng thời, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ trở thành công cụ của các tội phạm an ninh mạng để phát tán mã độc và tấn công các hệ thống thương mại điện tử, tài chính ngân hàng… nhằm đánh cắp thông tin người dùng. Vì vậy, mối đe dọa đến bảo mật thông tin lại càng lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực An toàn thông tin.
Bên cạnh đó, khâu đào tạo nguồn nhân lực về An toàn thông tin ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng kịp cả về số lượng và chất lượng cho nhu cầu cấp thiết của xã hội. Tính đến nay, Việt Nam chỉ có khoảng hơn 2.000 kỹ sư an toàn thông tin được đào tạo chuyên sâu và bài bản. Do vậy cơ hội cho các bạn sinh viên ngành An toàn thông tin trong thời gian 20 năm tới là vô cùng lớn. (nguồn: https://ptithcm.edu.vn/tuyen-sinh/nhu-cau-nhan-luc-cua-nganh-an-toan-thong-tin.html)
3/ Cơ hội việc làm sau khi ra trường?
Trong Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần tứ tư đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những mục tiêu là Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) Việt nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030. Và một trong những giải pháp là “Tập trung nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng, nhất là an toàn thông tin của hạ tầng viễn thông, thiết bị IoT, bảo vệ thông tin cá nhân; đẩy mạnh triển khai các trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng trên toàn quốc.”
Cùng với nhu cầu bảo mật thông tin của các doanh nghiệp ngày càng tăng, vấn đề không còn là có việc làm hay không mà là làm việc như thế nào? Và thu nhập của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của mình.
Sau khi tốt nghiệp sinh viên ngành An toàn thông tin có khả năng làm việc tại các đơn vị, bộ phận chuyên về công nghệ thông tin và mạng cũng như các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin như: các cơ quan chính phủ, các cơ quan thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng điện, dầu khí, thương mại, giao thông vận tải… với những vị trí công việc như:
- Quản trị bảo mật máy chủ và mạng.
- Bảo mật hệ điều hành và cơ sở dữ liệu.
- Phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn.
- Kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống.
- Rà quét lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin.
- Lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin.
Chúng ta đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự thành công của nó còn phụ thuộc vào bảo mật thông tin, chính điều này đã thúc đẩy nhu cầu nhân lực ngành An toàn thông tin ngày càng cao. Bạn có muốn gia nhập vào hàng ngũ kỹ sư ngành này?