Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức được chuyển giao quyền quản lý từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông và trở thành trường đại học trọng điểm đầu tiên của Bộ.
Sáng nay 10/07/2014, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Lễ ký Biên bản chuyển giao quyền quản lý và đại diện chủ sở hữu tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Công ty Thông tin Di động VMS – Mobifone từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông, theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn BCVT Việt Nam giai đoạn 2014 – 2015 và Quyết định số 877, 878/QĐ-BTTTT ngày 27/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quyết định chuyển Học viện và Mobifone từ VNPT về Bộ TT&TT quản lý.
Khi điều chuyển từ VNPT về Bộ TT&TT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ trở thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Học viện sẽ đảm nhiệm trọng trách là tổ chức nghiên cứu, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trọng điểm của Ngành Thông tin và Truyền thông. Trên cơ sở thành công của Học viện trong những năm qua là tổ chức nghiên cứu, đào tạo tự chủ, khi trực thuộc Bộ TT&TT, Học viện sẽ tiếp tục xây dựng và hoạt động theo mô hình đơn vị tự chủ về tài chính. Theo nhận định của Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, với việc trở thành một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT, Học viện sẽ tạo vị thế tương đồng với các đơn vị đào tạo đại học khác trên cả nước, là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 516/TTg ngày 11/7/1997, là tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà nước được thí điểm đặt trực thuộc doanh nghiệp mạnh của Nhà nước là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam). Trải qua gần 17 năm xây dựng và phát triển, kế thừa truyền thống trên 60 năm vẻ vang của các đơn vị Nghiên cứu, Đào tạo trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tiền thân, cũng như phát huy các đặc điểm riêng có, Học viện đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo, thực hiện tốt mục tiêu gắn kết giữa đào tạo- nghiên cứu khoa học – sản xuất kinh doanh. Hiện Học viện có trụ sở chính tại Hà Nội và 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh với tổng quy mô đào tạo các hệ là hơn 28.000 học viên, sinh viên. Trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực ICT, Học viện luôn là đơn vị dẫn đầu về quy mô, chất lượng đào tạo, số lượng sinh viên tốt nghiệp của Học viện có việc làm đúng chuyên ngành đạt tỷ lệ hơn 90%.
Học viện là đơn vị đi đầu, tiên phong mở các Ngành đào tạo mới lần đầu tiên đào tạo tại Việt nam nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao cho hiện tại và trong tương lai như ngành Công nghệ đa phương tiện – Multimedia, ngành An toàn thông tin. Mới đây, Học viện đã được lựa chọn là đơn vị tham gia thực hiện “Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an ninh và an toàn thông tin quốc gia đến năm 2020”.
Bên cạnh hoạt động đào tạo dài hạn, hàng năm Học viện còn thực hiện hàng trăm khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động đang tham gia SXKD của các doanh nghiệp ICT. Trong gần 17 năm qua, Học viện đã cung cấp cho xã hội và cho hàng chục ngàn kỹ sư, cử nhân về điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh; gần 2.000 thạc sỹ và trên 70 tiến sỹ.
Học viện có 3 Viện nghiên cứu trực thuộc vừa là Viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực ICT vừa thực hiện chức năng của một Khoa (hoặc bộ môn) đào tạo đại học. Giảng viên và sinh viên các Khoa được tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cùng với các Viện. Các kết quả nghiên cứu của các Viện vừa được áp dụng vào thực tiễn, vừa được kịp thời chuyển tải vào chương trình đào tạo. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu của Học viện đều do doanh nghiệp và xã hội đặt hàng và 100% kết quả nghiên cứu đều được áp dụng trực tiếp vào hoạt động SXKD đảm bảo tính thực tiễn rất cao, nguồn thu từ hoạt động KHCN của Học viện hiện đạt gần 30% tổng nguồn thu (vượt chỉ tiêu NQ 14/2005/NQ-CP của Chính phủ cho các trường Đại học Việt nam vào năm 2020 là 25%; đạt tương đương các trường Đại học trên thế giới hiện nay là 30-35%). Xứng đáng là đơn vị nghiên cứu đào tạo chủ lực, của Ngành thông tin và truyền thông, của đất nước, đến thời điểm hiện tại Học viện là trường đại học đầu tiên duy nhất trong lĩnh vực ICT được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (2013). Mới đây, ngày 23/5, Học viện được lựa chọn là một trong 11 tập thể tiêu biểu trong toàn quốc được vinh danh với danh hiệu Vinh Quang Việt Nam lần thứ XI.
Phát biểu tại Lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, sự kiện bàn giao là mốc son trong chặng đường phát triển của Ngành Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng cũng đánh giá cao và ghi nhận công lao đóng góp của VNPT đối với sự phát triển, lớn mạnh của thương hiệu Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Mobifone.
Sau khi được điều chuyển về Bộ, VNPT sẽ tiếp tục dành những tình cảm, hỗ trợ, hợp tác tốt nhất đối với Học viện và Mobifone, đây là tình cảm, là nghĩa tình truyền thống của người Bưu điện, người VNPT, Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Long Trận chia sẻ tại buổi Lễ.
Bằng tình cảm chân thành và niềm xúc động trong thời khắc lịch sử, PGS.TS Hoàng Minh đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành của gần 1000 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và hơn 28.000 học viên sinh viên Học viện tới những quan tâm ủng hộ, tin tưởng hợp tác, động viên khích lệ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, đối tác, các cơ quan thông tấn báo chí và đặc biệt là Lãnh đạo, CBCNV Bộ TT&TT, VNPT, Học viện qua các thời kỳ đã dành cho Học viện để có một Học viện với vị thế, thương hiệu lớn mạnh như hôm nay. Bước sang giai đoạn phát triển tiếp theo với sứ mệnh mới, những thành công ngày hôm qua sẽ là tiền đề quan trọng, quyết định để Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vững bước trở thành Trường đại học trọng điểm của Ngành, của đất nước trong lĩnh vực ICT.