(ĐCSVN) – Ngày 7/3, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và trao danh hiệu cao quý này cho Học viện.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được thành lập năm 1997 trên cơ sở sắp xếp lại 4 đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT); là tổ chức nghiên cứu, đào tạo đầu tiên được thành lập và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII). Hiện Học viện có trụ sở chính đặt tại Hà Nội và 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với 13 khoa đào tạo và 3 Viện nghiên cứu đầu ngành về viễn thông – công nghệ thông tin, quy mô trên 28 nghìn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh.
Học viện thực hiện mô hình gắn kết giữa đào tạo (trường đại học), nghiên cứu khoa học (các viện nghiên cứu đầu ngành) và sản xuất kinh doanh (mạng lưới của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội). Hoạt động nghiên cứu của Học viện được thực hiện bởi các viện nghiên cứu chuyên ngành hoạt động tự chủ, với 100% đề tài đều do doanh nghiệp đặt hàng và các kết quả nghiên cứu đều được áp dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT), nên hoạt động nghiên cứu của Học viện vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn và luôn theo kịp với các thay đổi của công nghệ, luôn bám sát với thực tiễn của mạng lưới.
Các viện nghiên cứu thuộc Học viện hiện đang đảm nhận và thực hiện đầy đủ chức năng của một khoa đào tạo đại học hoặc đảm nhận chức năng của một số bộ môn đào tạo đại học chuyên ngành. Qua thực tiễn hoạt động, Học viện đã cơ bản tiếp cận giải quyết được vấn đề tồn tại lớn mà nhiều trường đại học của Việt Nam đang gặp phải, đó là liên kết được các yếu tố: Cơ sở đào tạo – Doanh nghiệp và xã hội – Viện nghiên cứu – Cơ sở đào tạo/nghiên cứu khác.
Học viện đã tiên phong đi đầu trong việc chủ động mở thêm một số ngành đào tạo mới lần đầu tiên được tổ chức đào tạo ở Việt Nam như: ngành Công nghệ đa phương tiện, ngành An toàn thông tin…, nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin cho các ngành, các tổ chức Chính phủ và doanh nghiệp.
Trong đào tạo, Học viện đã và đang hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu tiên tiến trên thế giới để khai thác có bản quyền các chương trình đào tạo, các dự án nghiên cứu của bạn và tạo điều kiện cho việc trao đổi sinh viên giữa Học viện và các trường đại học trên thế giới như: Ilmenau (Đức), ENSAT (Pháp), CSI (Mỹ)…
Đối với một số nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Myanmar, Học viện đã tích cực hợp tác, hỗ trợ đào tạo và có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực cho các cán bộ chủ chốt ngành Bưu chính Viễn thông nước bạn, góp phần nâng cao ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước bạn. Hiện Học viện đang xây dựng đề án trình lên các cấp có thẩm quyền để đầu tư thành lập Trường đại học ICT Việt – Lào tại Viêng Chăn.
Thông qua các chương trình, các dự án hợp tác quốc tế của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Học viện đã tiếp thu, làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các đối tác, các nhà sản xuất công nghiệp, các viện nghiên cứu về viễn thông và công nghệ thông tin trên thế giới như: Hoa kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Cộng hòa Áo…
Với 13 khoa đào tạo và 3 viện nghiên cứu đầu ngành về viễn thông – công nghệ thông tin, Học viện luôn nắm bắt được xu hướng phát triển của công nghệ tiên tiến trên thế giới, qua đó, nghiên cứu đón đầu công nghệ, đề xuất các giải pháp công nghệ, phát triển công nghệ ứng dụng vào thực tiễn mạng lưới bưu chính, viễn thông của Việt Nam. Việc Học viện phát triển được các sản phẩm phần mềm, chế tạo và chuyển giao công nghệ để sản xuất các hệ thống thiết bị viễn thông phục vụ trực tiếp trên mạng lưới không những góp phần nâng cao tính chủ động của người Việt Nam trong quá trình vận hành, khai thác mạng lưới mà còn góp phần tích cực trong đảm bảo an toàn mạng lưới, an toàn thông tin, an ninh mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin.
Học viện cũng thực hiện các đề tài nghiên cứu về tiêu chuẩn, định mức, đo lường chất lượng mạng lưới. Học viện đã chủ trì xây dựng phương án và thực hiện 500 đợt đo kiểm chất lượng mạng lưới. Phần lớn các thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin phức tạp, đa dạng của các nhà cung cấp trên thế giới được Học viện kiểm tra, đánh giá trước khi đưa vào khai thác chính thức trên mạng lưới viễn thông Việt Nam; trong đó có nhiều thiết bị có công nghệ rất cao như: Tổng đài điện tử, hệ thống chuyển mạch mềm, các thiết bị vệ tinh, hệ thống thông tin di động 3G… Hiện nay, Học viện là đơn vị chủ lực, nòng cốt của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có đủ trình độ kỹ thuật, có đủ đội ngũ và kinh nghiệm trong việc thực hiện tối ưu mạng vô tuyến của các mạng di động 2G và 3G.
Với những thành tựu đã đạt được, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, đánh giá cao những thành tích đặc biệt xuất sắc của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trong cách quản lý …, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Học viện cần tăng cường hơn nữa số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ; có lộ trình để sinh viên ra trường có thể làm việc ngay trong môi trường tiếng Anh; phát triển ngành Công nghệ đa phương tiện và ngành An toàn thông tin thành ngành mũi nhọn của Học viện.
Đặc biệt, với ngành An toàn thông tin vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đào tạo thí điểm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Học viện phối hợp với các đơn vị khác, đào tạo khóa đầu tiên có chất lượng để từ một ngành học, có thể xây dựng thành một Viện về an ninh mạng, nghiên cứu phát triển mạng VNPT thành mạng an toàn nhất trong cả nước…/.
Theo nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam