Ngày 20/01/2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 46 đã chính thức khai mạc tại thành phố Davos của Thụy Sĩ, với chủ đề “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, thu hút sự tham dự của 40 nguyên thủ quốc gia và hơn 2.500 quan khách từ hơn 100 quốc gia.
Trong nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và Robot tự hành đóng vai trò hết sức quan trọng. Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi thế giới với tốc độ rất nhanh dẫn đến quan ngại về viễn cảnh máy tính trở nên thông minh, đến mức có thể làm tất cả mọi việc tốt hơn và rẻ hơn con người.
Các chuyên gia dự đoán, chỉ trong khoảng vài thập kỷ tới, Trí tuệ nhân tạo sẽ làm tốt hơn con người trong một số việc như dịch ngôn ngữ (đến năm 2024), viết các bài tập làm văn (đến năm 2026) và lái xe (đến năm 2027), viết ra một quyển sách bán chạy nhất (đến năm 2049) và bác sĩ phẫu thuật (đến năm 2053).
Riêng Robot tự hành, dựa trên tính kết nối internet vạn vật mang lại, được dùng trong việc tự động hóa sản xuất trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua máy chủ trung tâm, các robot có thể được điều phối một cách thông minh và tự động hóa công việc với cấp độ chưa từng có trong lịch sử.
Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là gì?
Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá là ngành đào tạo về lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, vận hành các hệ thống tự động, các dây chuyền sản xuất tự động tại các nhà máy; thiết kế, điều khiển và chế tạo robot…
Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa trang bị cho các bạn sinh viên các kiến thức về kỹ thuật điều khiển tự động, nghiên cứu các thuật toán điều khiển hiện đại; sử dụng các bộ điều khiển, cơ cấu chấp hành kết nối tạo thành một hệ thống nhằm mục đích tự động hóa các quy trình công nghệ sản xuất, tạo ra các thiết bị thay thế con người trong các hoạt động đòi hỏi độ chính xác cao, hoặc có thể làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm…
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa?
Trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam. Sự xuất hiện các khu công nghệ cao, khu công nghiệp hiện đại với các nhà máy được tự động hóa hoàn toàn. làm tăng cầu cấp thiết về nguồn nhân lực trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa.
Theo thống kê của Tổng cục thống kê thì hiện nay cả nước có khoản 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết nhu cầu nhân lực công nghệ cao thuộc ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa tăng rất nhanh. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đào tạo ngành này đến năm 2020 đã lên đến 25.000 người. Ngoài ra, trong xu thế chung, nền công nghiệp Việt Nam đang chuyển tỉ trọng 70% sang phát triển công nghiệp tự động hóa. Sự thiếu hụt các kỹ sư quản lý và nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài ngày càng trầm trọng hơn.
Đây là cơ hội việc làm rất lớn cho các bạn sinh viên mới ra trường hoặc đang theo học.