Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
Trong nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và Robot tự hành đóng vai trò hết sức quan trọng.
Các chuyên gia dự đoán, chỉ trong khoảng vài thập kỷ tới, Trí tuệ nhân tạo sẽ làm tốt hơn con người trong một số việc đòi hỏi xử lý khối lượng thông tin lớn với tốc độ nhanh. Riêng Robot tự hành, dựa trên tính kết nối internet vạn vật mang lại, được dùng trong việc tự động hóa sản xuất trên nhiều lĩnh vực khác nhau, sẽ hoàn toàn thay thế con người trong càc công việc đòi hỏi độ chính xác cao, hoặc trong môi trường độc hại.
Bài viết sau đây giới thiệu khái quát về mục tiêu chương trình đào tạo, và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
1. Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là gì?
Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá là ngành đào tạo về lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, vận hành các hệ thống tự động, các dây chuyền sản xuất tự động tại các nhà máy; thiết kế, điều khiển và chế tạo robot… Ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa trang bị cho các bạn sinh viên các kiến thức về kỹ thuật điều khiển tự động, nghiên cứu các thuật toán điều khiển hiện đại; sử dụng các bộ điều khiển, cơ cấu chấp hành kết nối tạo thành một hệ thống nhằm mục đích tự động hóa các quy trình công nghệ sản xuất, tạo ra các thiết bị thay thế con người trong các hoạt động đòi hỏi độ chính xác cao, hoặc có thể làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nguy hiểm…
2. Mục tiêu chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa?
2.1 Về kiến thức
Chương trình Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa trang bị kiến thức để người học sau khi tốt nghiệp đạt được:
– Hiểu và vận dụng các kiến thức về khoa học xã hội, toán học và khoa học tự nhiên làm nền tảng cho việc nghiên cứu, tính toán các hệ thống về kỹ thuật điều khiển và tự động hóa;
– Có kiến thức để nhận diện, diễn đạt và giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực điều khiển – tự động hóa;
– Có kiến thức về thiết kế, triển khai, xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống điều khiển và tự động hóa các quá trình sản xuất;
– Có khả năng đề xuất và triển khai các giải pháp quản lý các hệ thống điều khiển và tự động hóa;
– Có thể tham gia xây dựng, tổ chức, điều hành và quản lý các dự án về điều khiển và tự động hóa có hiệu quả.
2.2 Về kỹ năng chuyên môn
Các kỹ năng nghề nghiệp:
– Kỹ năng thiết kế và tiến hành các thí nghiệm, phân tích và giải thích dữ liệu trong lĩnh vực điều khiển – tự động hóa.
– Kỹ năng lựa chọn thiết bị, tích hợp xây dựng các hệ thống điều khiển tự động trong các nhà máy công nghiệp.
– Kỹ năng phân tích và thiết kế một phần hoặc toàn bộ một thiết bị, một hệ thống, một quá trình trong lĩnh vực điều khiển – tự động hóa.
– Kỹ năng thực hiện các sản phẩm điều khiển tự động có tính hiện đại, bền vững, đáp ứng được các nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
– Kỹ năng sử dụng các phương pháp, và các phương tiện kỹ thuật hiện đại, các phần mềm, phần cứng và các ngôn ngữ lập trình cần thiết cho việc thực hành kỹ thuật và thực hiện các hệ thống điều khiển tự động theo chương trình.
– Kỹ năng vận hành bảo trì các thiết bị hệ thống điều khiển tự động trong các nhà máy công nghiệp.
– Kỹ năng phân tích dữ liệu kỹ thuật và quản lý cho các nhà máy công nghiệp tự động.
Về Năng lực tự chủ và trách nhiệm:
– Hiểu biết trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp, có kiến thức về các vấn đề kỹ thuật đương đại ;
– Có kiến thức đủ rộng để hiểu rõ tác động của các giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế, môi trường và xã hội toàn cầu và trong bối cảnh riêng của đất nước;
– Nhận thức về sự cần thiết phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ và năng lực kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ để tự học trọn đời.
2.3 Về Kỹ năng mềm
– Kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm hiệu quả;
– Kỹ năng làm việc khoa học và chuyên nghiệp;
– Các kỹ năng cá nhân và phẩm chất nghề nghiệp trong việc giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, lập kế hoạch tổ chức công việc.
2.4 Về Ngoại ngữ (Tiếng Anh)
Ngoại ngữ tối thiểu tương đương B1 khung châu âu (CEFR) hay bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt nam, có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt trong lĩnh vực điều khiển – tự động hóa.
3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp?
Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có đủ năng lực đảm nhận các vị trí công việc ở những lĩnh vực sau:
– Lĩnh vực các cơ quan nhà nước:
Sở khoa học công nghệ, sở công thương, viện kinh tế xã hội, ban quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp, trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trung tâm kỹ thuật và ứng dụng công nghệ, trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp.
– Lĩnh vực các doanh nghiệp:
Công ty tư vấn thiết kế, công ty xây lắp, công ty tư vấn giám sát công trình, công ty thương mại về lĩnh vực điện, điện tử và tự động hóa, hệ thống nhúng công nghiệp.
– Lĩnh vực các nhà máy sản xuất:
Các nhà máy xi nghiệp sản xuất công nghiệp với vai trò người trực tiếp hay quản lý điều hành như:
+ Kỹ sư bảo trì điện trong các nhà máy công nghiệp.
+ Kỹ sư nhúng cho các hệ thống điều khiển.
+ Kỹ sư phân tích dữ liệu cho các ứng dụng công nghiệp.
– Lĩnh vực giáo dục nghiên cứu khoa học:
Các trường đại học,cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng trung cấp nghề, trung tâm đào tạo nghề, các viện/trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực điện, điện tử và tự động hóa.
Trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam. Sự xuất hiện các khu công nghệ cao, khu công nghiệp hiện đại với các nhà máy được tự động hóa hoàn toàn làm tăng cầu cấp thiết về nguồn nhân lực trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa. Đây là cơ hội việc làm rất lớn cho các bạn sinh viên mới ra trường hoặc đang theo học.