Kế toán là một ngành rất quen thuộc với hầu hết mọi người; khó hình dung được một tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan… không có hệ thống kế toán! Làm sao để đo lường các hoạt động sản xuất kinh doanh, xử lý thông tin để báo cáo và làm cơ sở cho các quyết định liên quan đến đơn vị?
Chúng ta hãy cùng khám phá ngành học Kế toán quen thuộc này nhé.
1/ Ngành Kế toán phù hợp với ai
Bạn có thể hiểu đơn giản Kế toán (Accounting) là công việc thu thập, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, … từ đó có thể đánh giá hiệu quả các hoạt động trong đơn vị.
Mặc dù là một ngành học nghe qua có vẻ dễ dàng nhưng để học tốt ngành Kế toán, bạn cần có một vài tố chất sau:
- Có khả năng tính toán tốt sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu với các con số, sổ sách, chứng từ mà bạn làm việc với chúng mỗi ngày.
- Tính trung thực luôn có ở một nhân viên kế toán vì công việc của bạn liên quan trực tiếp đến tinh hình tài chính như lợi nhuận, doanh số… của đơn vị.
- Cẩn thận và tỉ mỉ trong từng số liệu, hồ sơ vì công việc này đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.
- Biết quản lý thời gian và chịu được áp lực công việc vì sẽ có những lúc khối lượng công việc của bạn sẽ nhiều hơn gấp bội như cuối tháng kết lương, cuối năm tất toán, …
- Thành thạo tin học văn phòng và ngoại ngữ để bạn có thể quản lý các con số, hồ sơ, sổ sách một cách khoa học, hợp lý và dễ dàng, trong môi trường hội nhập quốc tế.
2/ Chương trình đào tạo ngành Kế toán tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Chương trình đào tạo ngành Kế toán bao gồm khối kiến thức giáo dục đại cương giống như các ngành khác và các khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành. Khi theo học ngành này tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngoài các môn học thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương, bạn sẽ học các môn học như sau:
- Khối kiến thức cơ sở ngành và ngành: bao gồm các môn học như Nguyên lý kế toán, Tài chính tiền tệ, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế vi mô, Quản trị học, Luật kinh doanh, Nguyên lý thống kê kinh tế, Quản trị tài chính doanh nghiệp, Kế toán quản trị, Kế toán tài chính, Thanh toán quốc tế, Ngân hàng và nghiệp vụ ngân hàng, Thị trường chứng khoán, Thương mại điện tử, Định giá doan nghiệp, Kiểm toán nội bộ.
- Khối kiến thức chuyên ngành: bao gồm các môn học như ACCA, CFA, Phân tích hoạt động kinh doanh, Hệ thống thông tin kế toán, Kế toán máy, Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp, Thuế và kế toán thuế, Kiểm toán tài chính, Kế toán công, Kế toán doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông, Kế toán doanh nghiệp bảo hiểm, Kế toán ngân hàng thương mại, Kế toán doanh nghiệp vận tải, Kế toán doanh nghiệp du lịch.
3/ Nhu cầu nhân lực của ngành Kế toán
Kế toán là một công việc đặc thù mà không phải ai học trái ngành cũng có thể vào làm được; hơn nữa, kế toán là bộ phận mà bất cứ công ty, tổ chức doanh nghiệp nào dù quy mô lớn hay nhỏ, kinh doanh trong nước hay ở nước ngoài đều cần.
Ngoài ra, hiện nay tại Việt Nam có hàng ngàn công ty được thành lập mỗi năm, một công ty nhỏ quy mô khoảng 50 người thì cũng cần ít nhất là 1 kế toán để tổng kết sổ sách, tính lương cho nhân viên, chi phí vận hành công ty, … riêng các doanh nghiệp lớn và có liên doanh với nước ngoài, bộ phận kế toán có thể lên đến hàng trăm người.
Vì vậy sinh viên sau khi tốt nghiệp không phải lo lắng về vấn đề việc làm.
4/ Cơ hội việc làm sau khi ra trường của ngành Kế toán
Khi theo học ngành Kế toán bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp như:
- Chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, giao dịch ngân hàng, thuế, kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính.
- Nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên quản lý dự án, nhân viên phòng giao dịch và ngân quỹ.
- Bộ phận kế toán của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, ….
- Giảng dạy ngành kế toán tại các trường, các trung tâm…
- Các viện nghiên cứu kinh tế phát triển.
- Tự tạo lập công ty kế toán, kiểm toán riêng.
- Bạn cũng có thể tiếp tục theo học các chương trình sau đại học trong nước hoặc ở nước ngoài.
Trên đây là tất cả những thông tin chung về ngành Kế toán mà bạn cần biết, chúc bạn sẽ tìm được một hướng đi phù hợp cho mình. Ngoài ra nếu bạn muốn tham khảo thêm các thông tin khác về ngành Kế toán hay muốn tìm hiểu các ngành học khác thì có thể ghé qua trang chủ website của PTIT tại đây.