Trong cuộc sống hiện đại ngày nay tất cả các thiết bị, hệ thống từ đơn giản đến phức tạp trong mọi lĩnh vực đều có sự hiện diện của điện, điện tử. Vì thế mà ngành học Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử được khá nhiều bạn sinh viên lựa chọn. Vậy tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sinh viên học được gì? Cơ hội nghề nghiệp như thế nào? Và có dễ tìm việc không? Bài viết sau đây sẽ phân tích chi tiết và cho bạn cái nhìn chuyên sâu hơn. Cùng tìm hiểu nhé.
1. Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại PTIT học được gì?
Đến với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sinh viên sẽ được đào tạo để đạt được:
1.1 Về kiến thức
Sinh viên được trang bị cho những kiến thức sau:
- Kiến thức giáo dục đại cương: trang bị cho sinh viên các kiến thức giáo dục đại cương về Lý luận của Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa học tự nhiên; chú trọng vào Toán học, Vật lý làm nền tảng tiền đề cho ngành đào tạo;
- Kiến thức cơ sở ngành: trang bị cho sinh viên kiến thức cơ sở cần thiết và cốt lõi của ngành về Linh kiện và mạch điện tử, Hệ thống số và máy tính, Tin học, Lý thuyết tín hiệu hệ thống thông tin, Xử lý tín hiệu số, Trường điện từ và kỹ thuật siêu cao tần;
- Kiến thức ngành: trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về một hoặc một vài lĩnh vực khác nhau của ngành như : Kỹ thuật điện tử máy tính (Hệ thống nhúng, Hệ thống số, Hệ điều hành nhúng, Hệ thống VLSI, Thiết bị ngoại vi và kỹ thuật ghép nối…) ; Xử lý tín hiệu và truyền thông (Xử lý ảnh, Xử lý tiếng nói, Công nghệ phát thanh truyền hình số, Truyền thông đa phương tiện, Bảo mật thông tin …); Điện tử công nghiệp và tự động hóa, Kỹ thuật Robot công nghiệp …
1.2 Về Kỹ năng chuyên môn
-
Đối với chuyên ngành Điện tử máy tính
(1) Nắm vững kiến thức tổng thể về một hệ thống điện – điện tử hiện đại từ các lõi xử lý trung tâm, vi xử lý, vi điều khiển đến các giao tiếp ghép nối ngoại vi, giao tiếp với hạ tầng truyền thông và các hệ điều hành, hệ điều hành thời gian thực (RTOS), ưu tiên sử dụng mã nguồn mở;
(2) Làm chủ các công nghệ nguồn, từ đó có khả năng tư duy độc lập và hợp tác theo nhóm để thiết kế, xây dựng, phát triển hoặc triển khai, vận hành bảo dưỡng các hệ thống điện – điện tử phục vụ trong các lĩnh vực như truyền thông, công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, tự động hóa, điện tử y sinh, giao thông vận tải, hàng không vũ trụ, an ninh, quân sự …;
(3) Sử dụng thành thạo các thuật toán, công cụ về tích hợp hệ thống nhúng, thiết kế số, ngôn ngữ mô tả phần cứng; các công cụ thiết kế mạch in điện tử PCB, các công cụ mô phỏng trợ giúp thiết kế;
(4) Có tư duy phát triển ứng dụng các thiết bị điện – điện tử theo hướng tiếp cận các xu thế mới như: Internet vạn vật (IoT), Big Data, Học máy…
(5) Hiểu biết về linh kiện, cụm linh kiện, nguyên tắc an toàn điện trong các hệ thống, bảng mạch điện – điện tử;
(6) Nắm chắc các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản trong lĩnh vực điện điện tử;
(7) Có khả năng tiếp cận với các thành tựu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực điện – điện tử.
-
Đối với chuyên ngành Xử lý tín hiệu truyền thông
(1) Nắm vững kiến thức tổng thể về một hệ thống điện tử hiện đại; các quá trình biến đổi và xử lý tín hiệu trong hệ thống thông tin số; các kỹ thuật sử dụng trong truyền thông số hiện đại;
(2) Thu thập và xử lý dữ liệu, sử dụng thành thạo các thuật toán và công cụ xử lý tín hiệu tương tự và số. Nắm được các thuật toán về nén dữ liệu và các thuật toán bảo mật;
(3) Nắm vững các kiến thức về xử lý tín hiệu số, ứng dụng các thuật toán và các chip xử lý tín hiệu số chuyên dụng vào các bài toán thực tế như: Xử lý ảnh, Xử lý âm thanh, Xử lý tín hiệu trong các hệ thống truyền thông và các ứng dụng liên quan đến xử lý tín hiệu khác…
-
Đối với chuyên ngành Robotic
(1) Có kĩ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của chuyên ngành đào tạo về robot, các hệ thống tự động điều khiển trong những điều kiện, môi trường làm việc khác nhau;
(2) Có kĩ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực robot;
(3) Có tư duy phát triển ứng dụng các thiết bị điện – điện tử theo hướng tiếp cận các xu thế mới như: Internet vạn vật (IoT), Big Data, Học máy…;
(4) Hiểu biết về linh kiện, cụm linh kiện, nguyên tắc an toàn điện trong các hệ thống, bảng mạch điện – điện tử, robotics;
(5) Biết và vận dụng được qui trình thiết kế, phân đoạn qui trình thiết kế và phương pháp tiếp cận. Biết và vận dụng qui trình lập kế hoạch, sắp xếp công việc, quản lý thời gian và nguồn lực.
1.3 Kỹ năng mềm
- Có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt thể hiện qua việc trình bày rõ ràng, tự tin và thuyết phục các vấn đề liên quan đến chuyên môn và các vấn đề kinh tế xã hội;
- Có kỹ năng làm việc nhóm, biết thành lập và tổ chức tốt công việc theo nhóm;
- Có các kỹ năng cá nhân và phẩm chất nghề nghiệp trong việc giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, lập kế hoạch và tổ chức công việc;
- Có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, tư duy hệ thống và tư duy phân tích và làm việc hiệu quả trong nhóm (đa ngành), hội nhập được trong môi trường quốc tế.
1.4 Về năng lực ngoại ngữ (Tiếng Anh)
- Đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu 450 điểm TOEIC quốc tế hoặc tương đương;
- Có khả năng sử dụng tiếng Anh phục vụ học tập, nghiên cứu, hoà nhập nhanh với cộng đồng công nghệ thông tin khu vực và quốc tế sau khi ra trường;
- Có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt trong các hoạt động liên quan đến nghề nghiệp được đào tạo.
2. Cơ hội nghề nghiệp?
- Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhận tốt các vị trí là kỹ sư thiết kế, cán bộ kỹ thuật, các bộ điều hành tại các trung tâm nghiên cứu phát triển, các khu công nghiệp, nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử;
- Có thể tham gia quản lý, khai thác và vận hành các dự án về lĩnh vực điện tử, lĩnh vực hội tự điện tử – truyền thông – công nghệ thông tin;
- Có thể trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về lĩnh vực điện, điện tử tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các Cơ sở đào tạo;
- Có thể tiếp tục học tiếp lên trình độ Sau đại học ở trong nước và nước ngoài, hoặc chuyển ngang sang các ngành công nghệ, kỹ thuật khác.
3. Dễ tìm việc?
Nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực điện, điện tử là rất phong phú, đa dạng; đặc biệt hiện nay các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã và đang chuyển dịch đầu tư phát triển vào Việt Nam như Intel, Samsung, Apple, LG,…. Theo dự báo, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm chế tạo sản phẩm điện tử lớn trong khối các nước ASEAN; điều này cho thấy nhu cầu cao của lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng và tay nghề này.
Riêng tại Học viện, ngoài việc gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc giao nhiệm vụ thực tập, thực hiện đồ án tốt nghiệp cho sinh viên, Học viện còn có các hoạt động như tổ chức giao lưu sinh viên doanh nghiệp hằng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu, đào tạo tại Học viện, hỗ trợ sinh viên sớm tiếp cận với các nhà tuyển dụng. Nhiều sinh viên chưa ra trường nhưng đã được nhiều doanh nghiệp săn đón; đặc biêt các đối tác trong đào tạo và nghiên cứu của Học viện đều là những tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước, đây chính là một lợi thế của sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Hiện nay, ngành công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử được đào tạo tại nhiều trường uy tín như Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông…Hãy lựa chọn cho mình một môi trường học tập hiệu quả nhé.