Dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Điểm đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nguồn nhân lực chất lượng cao phải khai thác nền tảng công nghệ mũi nhọn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vậy Công nghệ thông tin là gì? Chương trình đào tạo như thế nào? Tiềm năng nghề nghiệp của ngành công nghệ thông tin ra sao?… sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này hiệu quả.
1/ Ngành Công nghệ thông tin là gì?
Chúng ta có thể hiểu ngắn gọn Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành học đào tạo các kỹ sư CNTT, gọi là IT (Information Technology), làm việc với máy tính, mạng máy tính, các hệ thống thông tin, các hệ thống dựa trên máy tính bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm.
Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sinh viên ngành Công nghệ thông tin sau khi kết thúc năm học thứ ba, sẽ được chọn theo học một trong năm chuyên ngành sau: Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin.
Tùy thuộc vào từng chuyên ngành cụ thể sẽ có chương trình giảng dạy tương ứng bảo đảm người học sau khi tốt nghiệp có kỹ năng chuyên môn cụ thể như sau:
Chuyên ngành Công nghệ phần mềm
– Thu thập, phân tích tìm hiểu và tổng hợp các yêu cầu từ đối tượng sử dụng sản phẩm phần mềm để phục vụ công tác thiết kế.
– Thiết kế, triển khai thực hiện và quản lý các dự án phần mềm có qui mô vừa và nhỏ, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong điều kiện thực tế.
– Các kỹ năng về đánh giá chi phí, đảm bảo chất lượng của phần mềm.
– Các kỹ năng về kiểm thử, bảo trì và xây dựng tài liệu kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống hiệu quả và dễ dùng.
– Áp dụng tri thức Khoa học máy tính, quản lý dự án để nhận biết, phân tích và giải quyết sáng tạo và hiệu quả những vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng và phát triển phần mềm máy tính.
Chuyên ngành Kỹ thuật máy tính
– Thiết kế, xây dựng, cài đặt và bảo trì cả phần cứng và phần mềm (tập trung vào các phần mềm cho các thiết bị điện tử số) của các hệ thống điện tử số bao gồm các hệ thống truyền thông, máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính.
– Thiết kế, xây dựng và ứng dụng các hệ thống nhúng.
– Có các kỹ năng khác phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.
Chuyên ngành Hệ thống thông tin
– Nắm vững vai trò hệ thống thông tin trong các tổ chức. Hiểu được vai trò các thành phần của hệ thống thông tin bao gồm con người, quy trình, phần cứng, phần mềm, và dữ liệu.
– Vận dụng các khái niệm về hệ thống để đánh giá, giải quyết các vấn đề xuất hiện trong hệ thống thông tin.
– Phân tích và mô hình hóa quá trình và dữ liệu trong các tổ chức, khả năng xác định và cụ thể hóa các giải pháp kỹ thuật, khả năng quản trị dự án, khả năng tích hợp hệ thống.
– Các kỹ thuật thu thập, biến đổi, truyền, và lưu trữ dữ liệu và thông tin.
Chuyên ngành Khoa học máy tính
– Nắm vững và vận dụng tốt các nguyên lý, khái niệm, lý thuyết liên quan tới khoa học máy tính và ứng dụng phần mềm.
– Xác định và phân tích yêu cầu đối với các vấn đề cụ thể, lên kế hoạch và tìm giải pháp cho vấn đề.
– Đánh giá và thử nghiệm giải pháp.
– Có khả năng vận dụng các công cụ trong việc đặc tả, phân tích, xây dựng, triển khai, bảo trì các hệ thống dựa trên máy tính.
Chuyên ngành Mạng máy tính và truyền thông
– Nghiên cứu, tìm hiểu áp dụng kiến thức trong lĩnh vực mạng và truyền thông máy tính.
– Phân tích, thiết kế, cài đặt, bảo trì cũng như quản lý và khai thác các hệ thống mạng truyền thông máy tính.
– Sử dụng các công cụ phục vụ việc thiết kế, đánh giá hoạt động hệ thống mạng máy tính.
2/ Chương trình đào tạo?
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin phụ thuộc vào từng chuyên ngành cụ thể như đã nêu ở trên. Nhưng nói chung sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức cơ bản như sau:
Kiến thức giáo dục đại cương: trang bị cho sinh viên các kiến thức giáo dục đại cương về Lý luận của Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa học tự nhiên; chú trọng vào Toán học là nền tảng tiền đề cho ngành đào tạo.
Kiến thức cơ sở ngành: trang bị cho sinh viên những kiến thức về Toán chuyên ngành công nghệ thông tin, Lập trình máy tính, Hệ thống máy tính, Các ứng dụng quan trọng của công nghệ thông tin.
Kiến thức chuyên ngành: Trong năm học cuối, sinh viên sẽ lựa chọn chuyên sâu hướng học tập và nghiên cứu về Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm, Kỹ thuật máy tính, Mạng máy tính và truyền thông, An toàn thông tin mạng. Phần kiến thức chuyên ngành sẽ trang bị cho sinh viên: kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về mạng máy tính và truyền thông.
3/ Tiềm năng nghề nghiệp?
Trong thời gian đào tạo, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn và năng lực ngoại ngữ (Tiếng Anh) sinh viên còn được rèn luyện để có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, có tư duy hệ thống và tư duy phân tích, có khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm, hội nhập được trong môi trường quốc tế. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể:
– Đảm nhận tốt các vị trí là cán bộ kỹ thuật, quản lý, điều hành trong lĩnh vực công nghệ thông tin;
– Trở thành các lập trình viên, các nhà quản trị hệ thống, quản trị bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong bất kỳ doanh nghiệp nào;
– Làm việc trong các dự án với vai trò là người quản trị dự án về công nghệ thông tin;
– Trở thành cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy về công nghệ thông tin tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu và các Cơ sở đào tạo;
– Tiếp tục học tiếp lên trình độ Sau đại học ở trong nước và nước ngoài.
Các vị trí làm việc cụ thể:
– Kỹ sư thiết kế, xây dựng và quản lý các dự án nghiên cứu và ứng dụng CNTT;
– Kỹ sư vận hành, quản lý, giám sát; phân tích và phát triển các ứng dụng CNTT;
– Kỹ sư chuyên khai thác dữ liệu và thông tin ứng dụng trong vấn đề phân tích định lượng, nâng cao hiệu suất kinh doanh và ra quyết định;
– Kỹ sư xây dựng, phát triển các ứng dụng về lĩnh vực truyền thông xã hội và công nghệ Web – đây là một trong những lĩnh vực nóng của CNTT;
…
Nơi làm việc:
– Cơ quan nhà nước về công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thương mại điện tử, …
– Các viện, trung tâm về công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, điện tử – tin học – tự động hóa, thông tin và truyền thông, …
– Các tập đoàn, tổng công ty, công ty về bưu chính, viễn thông, truyền thông, điện toán và truyền số liệu, thông tin điên tử, …
– Các phòng chức năng về công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, quản lý công nghệ, khoa học công nghệ, hệ thống quản trị, an ninh mạng … tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp;
…
Nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng cấp thiết. Tuy nhiên, Lĩnh vực này đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy, công sức và chịu nhiều áp lực, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng.
Trên đây là những thông tin bạn cần biết về ngành Công nghệ thông tin, mong rằng thông qua bài viết ngắn này, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã giúp bạn có thêm cơ sở để đưa ra quyết định về việc chọn ngành, chọn trường.