Trong những ngày đầu tháng 1 năm Kỷ Sửu 2009, mặc dù bề bộn với biết bao công việc như tổng kết công tác năm 2008, đề ra kế hoạch công tác năm 2009, tổ chức gặp mặt thăm viếng các gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, nhưng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở Tp. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Học viện cơ sở) vẫn tổ chức các buổi nghiệm thu 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện năm 2008 dưới sự chủ trì củaTiên sĩ Trần Công Hùng – Trưởng khoa CNTT2, cùng với sự có mặt của Tiến sĩ Lê Quốc Cường ( Phó Giám đốc Học viện- phụ trách cơ sở TP. Hồ Chí Minh), đó là các đề tài: “Chuyển tiếp IPv6 (Transition To IPv6” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Dung, Khoa Công nghệ Thông tin 2- Khoa CNTT2”; “Xây dựng và triển khai hệ thống tra cứu thông tin qua màn hình cảm ứng ứng dụng tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở TP. Hồ Chi Minh” của Thạc sĩ Lê Tuấn Anh, Khoa CNTT2; “Xây dựng chương trình phát sinh bộ đề thi trắc nghiệm cho môn kỹ thuật đồ họa” của Thạc sĩ Trần Minh Nhật, Khoa CNTT2. Đây là các đề tài được đăng ký, nghiên cứu triển khai thực hiện trong khoảng thời gian khá ngắn (gần 2 tháng), tuy nhiên các ý kiến phản biện và các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đều nhất trí đánh giá chất lượng của các đề tài khá cao, tất cả các đề tài đều có thể đem áp dụng vào thực tiễn tại Học viện cơ sở.
1- Việc chuyển tiếp IPv6 là cần thiết: trong phần giới thiệu khái quát đề tài của mình, Th.s Nguyễn Thị Phương Dung chỉ ra những bất cập không gian địa chỉ IPv4, đó là: thế hệ địa chỉ phiên bản IPv4 mà hệ thống các máy tính sử dụng trên mạng Internet gồm 32 bit. Trên lý thuyết, không gian IPv4 chỉ dung nạp được khoảng 4 tỉ địa chỉ (thực tế sử dụng ít hơn). Với sự bùng nổ thông tin, sự phát triển nhanh như vũ bão của nền khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại thì không gian địa chỉ IPv4 không thể đáp ứng cho nhu cầu sử dụng, đồng thời với những hạn chế vốn có của nó như hạn chế không gian địa chỉ, cấu trúc định tuyến không mềm dẻo, tính bảo mật không cao… , từ đó thế hệ địa chỉ internet mới được ra đời, đó là phiên bản IPv6. Mặt khác, IPv6 sẽ phù hợp hơn với cấu trúc của mạng thế hệ sau NGN (Next Generation Network) bởi sự hội tụ mạng viễn thông và internet ngày càng trở lên rõ nét nhằm cung cấp một nền tảng cơ sở hạ tầng duy nhất, đồng bộ, đa dịch vụ.
Đề tài đi sâu phân tích về các đặc điểm của IPv6 như: có định dạng tiêu đề gói ngắn gọn và mềm dẻo hơn next header, sự kết hợp Traffic class và Flow Label, có cơ chế tự động cấu hình mà không cần sự hỗ trợ của máy chủ DHCP, hỗ trợ tốt hơn multicast, tích hợp giao thức bảo mật Ipsec, từ đó cho thấy IPv6 có nhiều lợi ích thiết thực: ứng dụng thời gian thực và tích hợp tương tác cao, xử lý hiệu quả hơn tại các router trung gian, đặc biệt là sự định tuyến trong Mobile- IP, điều khiển lưu lượng tốt hơn, giảm thiểu công cài đặt và quản lý của người quản trị mạng, xác thực và mã hóa dữ liệu truyền khi cần thiết. Với các lợi điểm trên đây, IPv6 có thể được ứng dụng khá rộng rãi trong các lĩnh vực: thương mại, tài chính, ngân hàng, giáo dục, chuẩn đoán chữa bệnh từ xa, dự báo thảm họa môi trường, thời tiết và cả trong an ninh quốc phòng. Tuy có những hạn chế nhất định như vừa nêu trên song IPv4 đang hiện hữu với một số lượng khách hàng đông đảo, một nguồn tài nguyên có giá trị lớn, kèm theo thói quen ngại thay đối thì không thể một lúc xóa bỏ ngay toàn bộ các địa chỉ đã cài đặt trên IPv4. Như vậy đề tài đặt ra giải pháp là phải xây dựng hạ tầng chuyển tiếp với các thành phần xử lý trung gian về phân giải tên miền ra các địa chỉ tương ứng với mỗi không gian hiện hữu (DNSV 4-6), tạo ra những thành phần xử lý chuyển tiếp gói IPv6 trong môi trường IPv4 hay ngược lại, nghĩa là đồng thời phải sử dụng cả hai không gian địa chỉ để tránh lãng phí tài nguyên, tạo ra sự đồng bộ trong giao tiếp, dần dần làm cho thế hệ địa chỉ IPv6 thay thế được IPv4. Đề tài đưa ra một số cơ chế cho thời kỳ chuyển tiếp từ IPv4 sang Ipv6: dùng hệ thống hỗ trợ đồng thời hai thế hệ địa chỉ (hệ thống Dual Stack), hoặc cơ chế chuyển tiếp đường hầm (Tunnel).
Từ những phân tích nêu trên, đề tài đề suất việc tiến hành ứng dụng tại Học viện cơ sở theo các bước: tái cấu trúc lại mạng intranet hiện hữu của Học viện cơ sở (gọi tắt là PTITHCM- Net) – từng bước triển khai IPv6 thành phần – nâng cấp PTITHCM- REN (phòng Lap Khoa CNTT) thành mạng IPv6 riêng rẽ với PTITHCM bởi hạ tầng chuyển tiếp DSTM và nối với các mạng IPv6 khác thông qua thành phần chuyển tiếp đường hầm 6 to 4 qua mạng trung gian internet IPv4. Đề tài được đánh giá vào loại khá.
Quang cảnh một buổi báo cáo đề tài khoa học- Ảnh Thành Nguyễn
2- Dùng màn hình cảm ứng công cộng để tra cứu thông tin: Không mới nhưng hữu dụng:
Ngày nay, ở đâu đó trong đời sống thường nhật, chúng ta vẫn bắt gặp người ta sử dụng các thiết bị có màn hình cảm ứng. Đó là những chiếc máy tính xách tay, chiếc điện thoại di động hoặc các thiết bị cảm ứng đặt tại các siêu thị…. Tuy nhiên, điều ấy vẫn còn xa lạ với đại đa số công chúng, trong đó có đội ngũ sinh viên- những người còn đang phụ thuộc gia đình cung cấp tiền ăn học hàng tháng thì cơ hội sử dụng các thiết bị có màn hình cảm ứng là không nhiều.
Qua khảo sát, Th.s Lê Tuấn Anh nhận ra một nhu cầu có thực từ đông đảo sinh viên trong Học viện cơ sở. Khi sinh viên muốn biết thông tin về thời khóa biểu, bảng điểm, lịch thi, học phí, lịch thực tập, làm đồ án tốt nghiệp… đều phải đi đến các thành phần đơn lẻ ( các khoa, phòng…) để nắm thông tin, vừa mất thời gian, tốn công sức mà không phải lúc nào cũng được đáp ứng đầy đủ thông tin mà mình mong muốn. Từ nhu cầu thực tiễn đó, Th.s Lê Tuấn Anh đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp : dùng hệ thống thông tin sinh viên- có chức năng cập nhật và lưu giữ thông tin của nhà trường liên quan tới sinh viên- để các em và phụ huynh sinh viên có thể truy cập xem thông tin bất cứ lúc nào.
Để kết nối, truy cập với Hệ thống thông tin sinh viên, đề tài đưa ra phương án đặt ở nơi công cộng trong khuôn viên Học viện một thiết bị có màn hình cảm ứng – gọi là Kiosk. Kiosk này tra cứu thông tin thông qua hệ thống thông tin sinh viên được quản lý tập trung trên một hệ thống quản lý nội dung CMS (Content Management System). CMS là một phần mềm dùng để tạo ra, soạn thảo, quản lý và xuất bản nội dung thông tin một cách có tổ chức. Các phòng, ban, khoa có nhiệm vụ tạo ra và cung cấp thông tin cho hệ thống thông tin sinh viên. Nguồn thông tin này được đưa lên hệ thống mạng nội bộ gọi là Extranet, thông qua trình duyệt web và người quản trị hệ thống, thông tin được xử lý, xuất bản rồi đưa tới CMS, quản lý trong data base (SQL Server). Thông qua một Adapter (chuyển đổi dữ liệu giữa phần mềm ứng dụng dạng XML), từ kiosk, sinh viên có thể tra cứu thông tin một cách dễ dàng thuận lợi. Việc thiết kế giao diện giữa kiosk với người sử dụng được đánh giá là thân thiện, dễ dàng cho việc tìm kiếm thông tin nhanh chóng. Đây cũng là đề tài được đánh gia cao, có thể lắp đặt ngay tại Học viện cơ sở.
3- Với xu thế chung hiện nay là hướng tới phương pháp thi trắc nghiệm thay thế cho thi viết trong nhà trường đòi hỏi phải có một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm rất lớn mới có thể đáp ứng. Là người giảng dạy môn kỹ thuật đồ họa thuộc khoa công nghệ thông tin 2 (HVCNBCVT CS tại TP.HCM), Th.s Trần Minh Nhật đã nghiên cứu đưa ra đề tài “Xây dựng chương trình phát sinh bộ đề thi trắc nghiệm môn kỹ thuật đồ họa”. Đề tài đã dùng các phương pháp thuật toán trong kỹ thuật đồ họa tạo ra hệ thống soạn thảo đề thi trắc nghiệm với các bước cơ bản: nhập thông tin- thông qua chương trình xử lý- xuất thông tin, trong đó hệ thống dùng thuật toán dạng đồ họa 2D ( với mô hình đường thẳng- thuật toán DDA, đường tròn- thuật toán Bresenham, đường cong conics), và dạng đồ họa 3D (khử mặt khuất, đường cong..).
Với ứng dụng này, khi cần ra một câu hỏi đề thi, chỉ cần chọn một dạng thuật toán cụ thể ( ví dụ thuật toán mô hình đường thẳng- DDA), ở đầu vào (các điểm mà đường thẳng đi qua) chọn các thông số bất kỳ (bằng các số tự nhiên bất kỳ) và chọn các bước (cũng là các số tự nhiên bất kỳ) thì tại đầu ra (xuất thông tin) sẽ cho ra một câu hỏi và một đáp án tương ứng. Giải pháp này sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian và công sức của giảng viên trong việc ra đề thi trắc nghiệm.
Trên đây là kết quả một số đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ năm 2008 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh. Hy vọng thời gian tới phong trào nghiên cứu khoa học công nghệ tại Học viện cơ sở sẽ phát triển sâu rộng hơn nữa, ứng dụng vào công tác quản lý cũng như giảng dạy tại trường.
Thành Nguyễn
Tạp chí CNTT & Truyền thông