Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử được nhận định là một ngành không bao giờ “lỗi mốt”. Trong những năm gần đây, ngành này càng trở nên “hot” hơn. Trước cánh cửa đại học, rất nhiều bạn trẻ vẫn còn băn khoăn và chưa thực sự hiểu về ngành học này. Hãy tham khảo chia sẻ trong bài viết này nhé!
Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là gì?
Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là lĩnh vực công nghệ kỹ thuật thực hiện và áp dụng các nguyên tắc của kỹ thuật điện để thiết kế, phát triển, thử nghiệm và sản xuất các thiết bị điện và điện tử như thiết bị liên lạc, radar, thiết bị đo lường hoặc điều khiển công nghiệp và y tế, thiết bị dẫn đường, robot và máy tính.
Thời gian đào tạo của ngành học này tại Học viện là 4,5 năm với khối lượng chương trình 150 tín chỉ (không bao gồm Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và Kỹ năng mềm) và bằng tốt nghiệp là bằng kỹ sư. Các tổ hợp xét tuyển của ngành học này tại Học viện là A00 (Toán – Lý – Hóa) vá A01 (Toán – Lý – Anh).
Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử phù hợp với đối tượng nào?
Có người cho rằng ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử khá khô khan, phù hợp với nam giới hơn. Thực ra đây là ngành không phân biệt là nam hay nữ mà cần người có khả năng chuyên môn, có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, có tư duy hệ thống và tư duy phân tích, có khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm, hội nhập được trong môi trường quốc tế. Tất cả yêu cầu trên bạn sẽ được trang bị và đào tạo khi đang theo học, chỉ cần bạn có đam mê, ham học hỏi và thích sáng tạo.
Lý do lựa chọn ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử?
Ngành học gắn liền với sự phát triển của xã hội
Trải qua chiều dài lịch sử nhân loại, các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong sản xuất, tiêu dùng và kết cấu xã hội trên toàn thế giới.
Có thể thấy, trừ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 18 và gần nửa đầu thế kỷ 19, với thay đổi từ sản xuất chân tay đến sản xuất cơ khí do phát minh ra động cơ hơi nước, các cuộc cách mạng công nghiệp còn lại khi làm thay đổi diện mạo xã hội đều có dựa trên nền tảng công nghệ điện, điện tử.
Ngành học được xã hội trọng dụng
Giống như các cuộc CMCN trước đó, cuộc CMCN 4.0 sẽ làm tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người, thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Đổi mới về công nghệ cũng sẽ tạo ra một phép màu cho dịch vụ cung ứng, cải thiện năng suất và hiệu suất; chi phí vận chuyển và thông tin liên lạc sẽ giảm, các dịch vụ hậu cần (logistic) và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, chi phí thương mại sẽ giảm. Một thị trường mới sẽ được mở ra và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Về cơ bản, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dựa trên 3 lĩnh vực chính:
(1) Kỹ thuật số: Bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI);
(2) Công nghệ sinh học: Ứng dụng trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu;
(3) Lĩnh vực vật lý: Robot thế hệ mới, in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…), công nghệ nano.
Tất cả đều có liên quan đến ngành điện, điện tử.
Ngành học sở hữu mức lương hấp dẫn
Theo thống kê của VietnamWorks, trong sáu tháng đầu năm 2019, lĩnh vực kinh doanh Điện/Điện tử đứng thứ hai trong nhóm 10 lĩnh vực kinh doanh có chỉ số thiếu hụt nhân sự cao nhất, với 90% các nhà tuyển dụng cho biết công ty họ đang thiếu hụt nhân sự rất lớn; điều này cho thấy nhu cầu cao của lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng và tay nghề này.
Với cơ hội việc làm cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, nếu có một chuyên môn vững chãi, khả năng ngoại ngữ và tin học tốt thì chắc chắn có nhiều cánh cửa công việc rộng mở với mức lương hấp dẫn.
Chọn trường để học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử?
Nếu đang băn khoăn không biết học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại trường nào, hãy tham khảo ngay một số lý do để bạn yên tâm chọn PTIT nhé.
Chương trình đào tạo tiên tiến, thường xuyên được cập nhật
Đến với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức từ cơ bản thông qua các môn cơ sở ngành như: Linh kiện và mạch điện tử, Hệ thống số và máy tính, Tin học, Lý thuyết tín hiệu hệ thống thông tin, Xử lý tín hiệu số, Trường điện từ và kỹ thuật siêu cao tần…
Đến kiến thức chuyên sâu về một hoặc một vài lĩnh vực khác nhau của ngành như: Kỹ thuật điện tử – máy tính (Hệ thống nhúng, Tương tác người – máy, Hệ thống VLSI, Thiết bị ngoại vi và kỹ thuật ghép nối, Thiết kế vi mạch …) ; Xử lý tín hiệu và truyền thông (Xử lý ảnh, Xử lý tiếng nói, Công nghệ phát thanh truyền hình số, Truyền thông đa phương tiện, Bảo mật thông tin…); Robotic (Điện tử công nghiệp và tự động hóa, mạng truyền thông công nghiệp; Internet vạn vật, Big data, học máy … )
Cuối khóa học, sinh viên sẽ thực hiện đồ án tốt nghiệp, thực tập tại các doanh nghiệp liên kết với Học viện, đây chính là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiếp cận với các hệ thống điện – điện tử đa dạng và hiện đại.
Ngoài khả năng chuyên môn, sinh viên được đào tạo để có các kỹ năng quản lý và kỹ thuật cần thiết để tham gia thiết kế, ứng dụng, lắp đặt, sản xuất, vận hành và (hoặc) bảo trì hệ thống điện/điện tử; có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, có tư duy hệ thống và tư duy phân tích, có khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm, hội nhập được trong môi trường quốc tế.
Môi trường học tập thân thiện
Đến với PTIT các bạn luôn luôn được giúp đỡ từ các tình nguyện viên, học hỏi, rèn luyện trong các câu lạc bộ của Học viện. Mỗi câu lạc bộ là một lĩnh vực khác nhau như văn hóa, văn nghệ, thể thao, ngoại ngữ, start-up, hoạt động thiện nguyện… đem lại cho sinh viên những trải nghiệm đáng nhớ trong suốt quãng thời gian theo học tại Học viện.
Ngoài ra các hoạt động xã hội, chuyên môn, vui chơi giải trí, các cuộc thi do Đoàn Thanh niên và các câu lạc bộ tổ chức còn giúp sinh viên trở nên năng động, nâng cao các kỹ năng cần thiết khi đi làm sau khi tốt nghiệp.
Tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên
Ngoài việc gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc giao nhiệm vụ thực tập, thực hiện đồ án tốt nghiệp cho sinh viên, Học viện còn có các hoạt động như tổ chức giao lưu sinh viên doanh nghiệp hằng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu, đào tạo tại Học viện, hỗ trợ sinh viên sớm tiếp cận với các nhà tuyển dụng. Nhiều sinh viên chưa ra trường nhưng đã được nhiều doanh nghiệp săn đón.
Các đối tác trong đào tạo và nghiên cứu đều là những tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước, đây chính là một lợi thế của sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Hi vọng những chia sẻ về ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử ở trên sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc. Chúc các bạn có những sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân!