THỂ LỆ
GIẢI THƯỞNG SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC- EURÉKA
LẦN THỨ 14 NĂM 2012
(Ban hành kèm theo Kế hoạch liên tịch số: 07 /KH – LT, ngày 26 tháng 4 năm 2012)
____________
Điều 1: ĐỐI TƯỢNG, SỐ LƯỢNG THAM GIA:
1. Đối tượng:
Là sinh viên, hiện đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng và Học viện trên địa bàn thành phố đều có quyền đăng ký tham gia, theo 2 hình thức sau: cá nhân hoặc tập thể (mỗi tập thể không quá 5 sinh viên), mỗi cá nhân hoặc tập thể có thể đăng ký tham gia 1 hoặc nhiều công trình.
Đăng ký tham gia theo đơn vị trường, ban tổ chức không nhận đăng ký tham gia theo tư cách cá nhân gửi trực tiếp cho ban tổ chức giải thưởng cấp thành phố.
2. Số lượng:
Nhằm đảm bảo quy trình, chất lượng, số lượng đề tài tham gia, trước khi đăng ký giới thiệu đề tài tham gia giải thưởng cấp thành phố, nhà trường có trách nhiệm thành lập hội đồng khoa học để chấm thi và đánh giá chất lượng đề tài, chỉ xét chọn đề tài có chất lượng tốt giới thiệu tham gia giải thưởng cấp thành phố.
Mỗi ngành trong 1 lĩnh vực dự thi, mỗi trường chỉ được giới thiệu tối đa 07 đề tài có chất lượng cao nhất từ trên xuống tham gia (tính cho giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học) và 02 đề tài trong mỗi lĩnh vực dự thi (tính cho giải thưởng đề tài/ công trình làm luận văn tốt nghiệp xuất sắc); số ngành trong từng lĩnh vực được quy định chi tiết trong thể lệ.
Điều 2: NỘI DUNG:
Gồm 2 giải thưởng chính:
– Giải thưởng dành cho những đề tài/ công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên. Yêu cầu: Công trình gửi tham gia dự thi phải có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao và đảm bảo tính khoa học. Ghi chú: Luận văn và đồ án tốt nghiệp của sinh viên không được gửi tham dự giải thưởng này.
– Giải thưởng dành cho những đề tài/ công trình làm luận văn tốt nghiệp của sinh viên được hội đồng chấm luận văn nhà trường đánh giá xuất sắc. Ghi chú: mỗi lĩnh vực, ngành đào tạo của trường chỉ được chọn, giới thiệu 1 đề tài để dự thi, tối đa mỗi lĩnh vực do ban tổ chức quy định là 2 đề tài (điểm số của đề tài/ công trình tốt nghiệp phải từ 9.0 điểm trở lên).
Điều 3: LĨNH VỰC, NGÀNH ĐĂNG KÝ: Bao gồm:
TT | TÊN LĨNH VỰC | CHUYÊN NGÀNH |
1 | Lĩnh vực Xã hội và Nhân văn | – Xuất bản, Báo chí.
– Lịch sử. – Địa lý. – Dân tộc học. – Triết học. – Văn học, Ngữ văn – Xã hội học. – Đông phương học. – Văn hóa. – Nghệ thuật. |
2 | Giáo dục | – Giáo dục học.
– Quản lý giáo dục. – Tâm lý giáo dục – Giáo dục thể chất |
3 | Lĩnh vực Kinh tế | – Tài chính- ngân hàng- chứng khoán- kế toán- kiểm toán, bảo hiểm – tín dụng.
– Thương mại- quản trị kinh doanh và du lịch- marketing – Kinh tế học- kinh tế phát triển – kinh tế chính trị. |
4 | Lĩnh vực Kỹ thuật | – Vật Lý.
– Điện- điện tử. – Cơ khí- tự động hóa. – Kỹ thuật nhiệt. |
5 | Lĩnh vực Pháp lý | – Luật Dân sự.
– Luật Hình sự. – Luật Kinh tế. – Luật Hành chính. – Luật Quốc tế. |
6 | Lĩnh vực Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng | – Quy hoạch.
– Kiến trúc. – Xây dựng. |
7 | Công nghệ thông tin | – Toán tin
– Công nghệ thông tin – Điện tử viễn thông |
8 | Lĩnh vực Công nghệ Hóa Sinh | – Hóa học.
– Công nghệ hóa. – Sinh học. – Công nghệ sinh. – Công nghệ thực phẩm. |
9 | Lĩnh vực Y Dược | – Y học
– Dược học – Y tế cộng đồng – Bảo hộ lao động |
10 | Lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp | – Nông nghiệp
– Lâm nghiệp – Ngư nghiệp |
11 | Tài nguyên và Môi trường | – Tài nguyên
– Môi trường – Công nghệ môi trường |
Điều 4: MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ NGHIÊN CỨU: (tham khảo)
1. Nhóm ngành khoa học xã hội:
– Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về hoạt động công tác Đoàn – Hội – Đội và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố.
– Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về con đường phát triển của Việt Nam để hội nhập trong khu vực và thế giới.
– Nghiên cứu những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nghệ thuật, pháp luật, quốc phòng và an ninh.
– Nghiên cứu về phát triển con người Việt Nam, nghiên cứu dự báo các xu thế phát triển trong khu vực và thế giới.
2. Nhóm ngành khoa học tự nhiên:
– Nghiên cứu cơ bản về định hướng ứng dụng nhằm hỗ trợ cho quá trình lựa chọn, tiếp thu, thích nghi và cải tiến các công nghệ tiên tiến nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và tiến tới sáng tạo các công nghệ đặc thù ứng dụng tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ tự động hoá, cơ – điện tử.
– Nghiên cứu làm rõ giá trị sử dụng của các loại tài nguyên của nước ta, làm cơ sở xây dựng phương án và lựa chọn công nghệ để khai thác có hiệu quả. Chú trọng nghiên cứu tiềm năng về đa dạng sinh học, các loại tài nguyên quý đang có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức và do môi trường suy thoái.
– Nghiên cứu bản chất, quy luật của tự nhiên và những tác động của chúng đến đời sống con người, đến kinh tế, văn hóa- xã hội nước ta, trong đó chú ý các yếu tố khí tượng và tự nhiên ở các vùng sinh thái, phục vụ dự báo phòng tránh thiên tai (như bão lụt, cháy rừng, trượt lở đất, nứt đất, xói lở bờ sông, bờ biển, bồi lấp các cửa sông, cửa đầm, hạn hán, v.v…).
– Nghiên cứu các vấn đề cơ bản về Biển Đông và phát triển kinh tế biển; nghiên cứu dự báo các nguồn lợi biển, phục vụ xây dựng các công trình trên biển và khai thác tổng hợp các nguồn lợi từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
– Một số lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết mà Việt Nam có thế mạnh, như toán học, vật lý …
3. Nghiên cứu về các vấn đề cần giải quyết của thành phố trong quá trình phát triển và các ngành công nghệ trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố:
– Công nghệ thông tin – truyền thông.
– Công nghệ sinh học.
– Công nghệ vật liệu tiên tiến.
– Cơ khí – tự động hóa.
– Năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đồng thời khuyến khích các đề tài nghiên cứu hưởng ứng 6 chương trình trọng điểm của thành phố:
– Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: các giải pháp, ý tưởng nhằm xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.
– Chương trình cải cách hành chính: các nghiên cứu gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn; đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực.
– Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố: giải pháp về tập trung nguồn lực phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái…
– Chương trình giảm ùn tắc giao thông : giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông; an toàn giao thông; làm sạch- đẹp các đoạn đường giao thông ….
– Chương trình giảm ngập nước.
– Chương trình giảm ô nhiễm môi trường: giải quyết ô nhiễm khói bụi trong không khí; ô nhiễm nguồn nước; xây dựng các mảng xanh – sạch – đẹp nơi công cộng…; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.
4. Nghiên cứu từ đơn đặt hàng của cơ quan, đơn vị, cá nhân…:
– Ban tổ chức khuyến khích các đề tài nghiên cứu từ đơn đặt hàng của trường học, cơ quan, doanh nghiệp, những đề tài nghiên cứu từ đơn đặt hàng sẽ được xem xét cộng điểm (yêu cầu khi nộp đơn, tác giả đính kèm đơn đặt hàng)
Điều 5: CÁC TIÊU CHUẨN ĐỂ ĐÁNH GIÁ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU:
1. Về hình thức: cách trình bày công trình (bố cục, sơ đồ, diễn đạt, hình thức…) đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Điều 7 của Thể lệ.
2. Hiệu quả về kinh tế – xã hội của công trình: trình bày rõ những ý nghĩa thực tiễn, hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội mà đề tài nghiên cứu.
3. Xác định nội dung và phương pháp nghiên cứu: luận cứ khoa học, tính độc đáo; nội dung nghiên cứu hợp lý; trình bày chi tiết về tính mới, tính sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề và khả năng ứng dụng.
4. Sản phẩm của đề tài: chi tiết hóa được loại hình sản phẩm, cụ thể hóa các chi tiết chất lượng tiên tiến..
5. Khả năng áp dụng kết quả nghiên cứu: chứng minh được đề tài có địa chỉ ứng dụng cụ thể, tính khả thi của phương án chuyển giao kết quả nghiên cứu…
6. Tính hợp lý của kinh phí đề nghị: tính hợp lý, sát thực tế.
7. Tính trung thực trong việc tham khảo và nghiên cứu: nêu cụ thể và trích dẫn đầy đủ ở từng trang về nội dung của sách, báo, tạp chí hoặc đề tài tham khảo.
Điều 6: BỐ CỤC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU:
1. Đặt vấn đề: nêu lên sự cần thiết của đề tài, lý do chọn đề tài,
2. Tổng quan tài liệu: tổng quan tóm lược đề tài, nêu những giải pháp khoa học đã được giải quyết ở trong và ngoài nước, những vấn đề tồn tại cần được tiếp tục nghiên cứu và phương án giải quyết của tác giả (nhóm tác giả).
3. Mục tiêu – Phương pháp: mục tiêu của công trình, phương pháp nghiên cứu.
4. Kết quả – Thảo luận: nội dung – kết quả nghiên cứu đạt được.
5. Kết luận – Đề nghị: nêu lên kết luận, ý nghĩa khoa học, hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội, qui mô và phạm vi áp dụng, đề nghị hướng nghiên cứu tiếp theo.
6. Tài liệu tham khảo, phụ lục; danh mục các công trình trước đây của tác giả (nếu có).
Điều 7: HÌNH THỨC TRÌNH BÀY:
1. Nội dung công trình được đánh máy trên giấy A4 (210 x 297 mm), khuyến khích in 2 mặt, phông chữ Unicode, kiểu chữ Time New Roman, cỡ chữ 13, đánh số thứ tự trang ở chính giữa trang, vị trí ở phía trên đầu mỗi trang.
2. Công trình nghiên cứu trình bày trong khoảng 50 tới 100 trang đánh máy (không tính phụ lục, hình ảnh, số liệu).
3. Các phần, mục, tiểu mục phải được đánh số thứ tự rõ ràng theo một kiểu thống nhất: 1.; 1.1.; 1.1.1…
4. Các công thức cần viết rõ ràng, dùng các ký hiệu thông thường, các ký hiệu phải có chú thích rõ ràng. Bảng vẽ, biểu đồ, sơ đồ minh họa… phải được đánh số thứ tự kèm theo chú thích.
5. Tên tác giả nước ngoài nêu trong công trình phải viết theo đúng tiếng nước đó hoặc theo cách phiên âm hệ chữ latinh (căn cứ vào tài liệu tham khảo).
6. Không viết tên tác giả, tên trường, tên giảng viên hướng dẫn; không viết lời cám ơn, không được dùng các ký hiệu riêng, gạch dưới các câu trong toàn bộ công trình và không được ký tên. Mục đích nhằm thể hiện tính khách quan, đảm bảo công bằng khi chấm điểm và đánh giá.
7. Trang bìa của công trình phải được đóng bằng giấy bìa cứng, màu xanh nước biển, gáy dán keo màu xanh dương đậm (không dùng gáy lò xo). Trang (số 1, 2 theo mẫu) thông tin về công trình và nhận xét của hội đồng khoa học, tác giả để rời và không được phép ghi bất cứ thông tin nào khác ngoài thông tin theo mẫu.
8. Phần công trình:
– Tóm tắt công trình (bắt đầu từ trang thứ nhất) tối đa 1 mặt giấy A4.
– Nội dung công trình (trình bày từ trang kế tiếp) nội dung qui định như ở điều 4.
Điều 8: HỒ SƠ THAM DỰ:
1. Phiếu đăng ký công trình tham dự Giải thưởng của tác giả hay nhóm tác giả công trình (1 bản theo mẫu M1, có dán hình 3×4).
2. Danh sách nhận xét, đánh giá, cho điểm, xếp loại cho từng công trình của Hội đồng khoa học hội nghị khoa học sinh viên cấp trường.
3. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả dự thi nộp về Ban tổ chức Giải thưởng cấp thành phố 02 quyển đề tài công trình nghiên cứu.
4. Bảng tổng hợp danh mục các công trình đăng ký tham gia Giải thưởng của Ban Tổ chức cấp trường (1 bản theo mẫu M2); gửi kèm file Excel tổng hợp đề tài đăng ký tham gia của trường (phông chữ Unicode, kiểu chữ Time New Roman, cỡ chữ 13)
5. Ban tổ chức cấp trường cần cung cấp 01 đĩa CD (gồm file báo cáo Powerpoint, file tóm tắt đề tài và file toàn bộ dữ liệu các đề tài nghiên cứu của trường dự thi Euréka). Riêng các công trình thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, mỗi đề tài cần gởi kèm theo chương trình nguồn chép chung trên đĩa CD (nếu có).
– Thời hạn nộp hồ sơ: Thành Đoàn tổ chức hội nghị tiếp nhận đề tài đăng ký tham gia của các trường vào ngày 28/9/2012, ban tổ chức không nhận công trình đăng ký tham gia tự do, tất cả các công trình dự thi đều phải thông qua giới thiệu và xác nhận của Ban giám hiệu hoặc của Đoàn Thanh niên trường.
– Để biết thêm thông tin về giải thưởng, xin vui lòng liên hệ:
TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRẺ
Số 01- Phạm Ngọc Thạch – Quận 1; Điện thoại: 38.233363 – 38.230780.
Website: www.khoahoctre.com.vn; Email: khoahoctre@gmail.com
Điều 9: GIẢI THƯỞNG:
1. Giải thưởng dành cho đề tài/ công trình nghiên cứu khoa học:
1.1. Tất cả tác giả các công trình nghiên cứu khoa học tham gia Giải thưởng cấp thành phố sẽ được Ban Tổ chức Giải thưởng cấp thành phố tặng Giấy chứng nhận tham dự Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – Euréka lần thứ 14 năm 2012.
1.2. Đối với các cá nhân, giảng viên trực tiếp hướng dẫn cho sinh viên có công trình nghiên cứu đoạt giải đặc biệt và giải nhất sẽ được đề nghị tặng thưởng bằng khen của UBND thành phố, giảng viên hướng dẫn có sinh viên đạt giải nhì và giải ba sẽ được trao tặng giấy khen của Thành Đoàn.
1.3. Giá trị giải thưởng cho các đề tài đoạt giải:
– Ban tổ chức và đại diện hội đồng khoa học họp xét chọn từ các đề tài đạt giải nhất của tất các các lĩnh vực, chọn ra 01 đề tài có chất lượng và có điểm số cao nhất (yêu cầu đạt từ 95% tổng số điểm trở lên) để trao giải đặt biệt, trị giá: 15.000.000 đồng/giải + Bằng khen UBND thành phố.
– Ở mỗi lĩnh vực dự thi sẽ có cơ cấu và mức giải thưởng là:
+ 01 Giải Nhất: 10.000.000 đồng/giải + Bằng khen UBND Thành phố.
+ 01 Giải Nhì: 5.000.000 đồng/giải + Giấy khen Thành Đoàn.
+ 01 Giải Ba: 3.000.000 đồng/giải + Giấy khen Thành Đoàn.
+ Các giải KK: 2.000.000 đồng/giải + Giấy khen Thành Đoàn.
2. Giải thưởng dành cho những đề tài/ công trình luận văn tốt nghiệp được đánh giá xuất sắc:
Hội đồng khoa học sẽ đánh giá và chấm điểm. Ở mỗi lĩnh vực dự thi sẽ xét trao giải cho 01 đề tài luận văn xuất sắc và mức giải thưởng là: 2.000.000 đồng/giải và trao tặng giấy khen Thành Đoàn.
Điều 10: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thể lệ này được áp dụng kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có thay đổi, Ban Tổ chức Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – Euréka lần thứ XIV năm 2012 sẽ có văn bản điều chỉnh bổ sung và thông báo cụ thể đến các trường, các tập thể, cá nhân tham gia.
BAN TỔ CHỨC GIẢI THƯỞNG