Vai trò của chuyên gia ngành An toàn thông tin trong kỷ nguyên số
Trong thời đại số ai sẽ bảo vệ dữ liệu và giúp loại bỏ những nguy cơ và lỗ hổng tiềm ẩn trên các hệ thống thiết yếu hỗ trợ cuộc sống hàng ngày của chúng ta như các thiết bị điện gia dụng, điện thoại, máy tính, hệ thống camera giám sát, hệ thống cung cấp điện, nước, chăm sóc y tế, giao thông, tài chính, ngân hàng,…? Ai sẽ giúp bảo vệ các doanh nghiệp, tổ chức khi sản xuất hoàn toàn được tự động hóa, khi dịch vụ được cung cấp thông qua hệ thống mạng và mọi hoạt động đã và đang thực hiện trực tuyển (online)?
Đặc biệt trong thời đại Công nghiệp 4.0, khi mà hàng tỷ người đang được kết nối với nhau thông qua điện thoại di động, qua mạng xã hội; khi mà người lẫn thiết bị đều có phiên bản số của mình trên hệ thống mạng, cho phép kết nối với nhau và tạo ra các không gian số tương ứng với thế giới thực thể của chúng ta như hệ thống thiết yếu hỗ trợ cuộc sống hàng ngày, các hệ thống sản xuất kinh doanh, dịch vụ…
Câu trả lời là các chuyên gia an toàn thông tin.
Trước các cuộc tấn công trên không gian mạng nhằm đánh cắp dữ liệu và bẻ gãy mọi cơ chế phòng thủ hệ thống của các cá nhân, các tổ chức và doanh nghiệp, nhu cầu về chuyên gia an toàn thông tin ngày càng trở nên cấp bách.
Là một chuyên gia an toàn thông tin, Bạn sẽ làm việc hàng ngày để giữ an toàn cho hệ thống và sẽ liên tục phải đối mặt với những thách thức mới; vì vậy cần có các kỹ năng sau:
– Áp dụng các các kiến thức, kỹ năng; sử dụng các công cụ khoa học kỹ thuật để nhận biết, phân tích, giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin mạng;
– Thu thập, phân tích tìm hiểu và tổng hợp các yêu cầu về an ninh, bảo mật từ hệ thống thông tin để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống an toàn, an ninh thông tin;
– Thiết kế và triển khai các ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong điều kiện thực tế;
– Tìm kiếm, tiếp cận, ứng dụng hiệu quả và sáng tạo các kỹ thuật, kỹ năng và công cụ hiện đại để giải quyết những vấn đề thực tế của lĩnh vực An toàn thông tin.
Các kỹ năng trên sẽ được hình thành và hoàn thiện trong quá trình học tập từ chương trình đào tạo đại học ngành An toàn thông tin và nỗ lực phấn đấu của Bạn.
Sau khi tốt nghiệp, một số công việc Bạn thường đảm nhiệm:
– Quản trị bảo mật máy chủ và mạng.
– Bảo mật hệ điều hành và cơ sở dữ liệu.
– Phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn.
– Kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống.
– Rà quét lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin
– Lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin.
Nếu có đủ kinh nghiệm, Bạn có khả năng đảm nhận các chức vụ quản lý về an toàn thông tin, như Trưởng nhóm hoặc Giám đốc bộ phận đảm bảo an toàn thông tin.
Trong bộ phim Fast & Furious 8, nhân vật hacker phản diện đã khai thác lỗ hổng phần mềm trang bị trên hàng nghìn xe hơi ở New York (Mỹ) để biến chúng thành “xe ma”, bị điều khiển từ xa gây nên cảnh hỗn loạn trên đường phố mà các chủ xe không thể can thiệp. Giới bảo mật nhận định, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra khi xe không người lái trở nên phổ biến và chạy chung một nền tảng, tương tự Android và iOS trên smartphone hiện nay.
Bạn sẽ làm gì để những điều tương tự không xảy ra?