Giới thiệu ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử
Theo thống kê của VietnamWorks, trong sáu tháng đầu năm 2019, lĩnh vực kinh doanh Điện/Điện tử đứng thứ hai trong nhóm 10 lĩnh vực kinh doanh có chỉ số thiếu hụt nhân sự cao nhất.
Khoảng 90% các nhà tuyển dụng cho biết công ty họ đang thiếu hụt nhân sự rất lớn. Điều đó cho thấy nhu cầu cao của lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng và tay nghề này.
Liên quan đến lĩnh vực Điện/Điện tử, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông.
Bài viết này nhằm giới thiệu ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử đến thí sinh, những người đang đứng trước “ngưỡng cửa” chọn trường, chọn ngành học.
♦ Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là gì?
Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử là lĩnh vực công nghệ kỹ thuật thực hiện và áp dụng các nguyên tắc của kỹ thuật điện để thiết kế, phát triển, thử nghiệm và sản xuất các thiết bị điện và điện tử như thiết bị liên lạc, radar, thiết bị đo lường hoặc điều khiển công nghiệp và y tế, thiết bị dẫn đường, robot và máy tính.
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử nhằm cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp các kỹ năng quản lý và kỹ thuật cần thiết, để tham gia các hoạt động thiết kế, ứng dụng, lắp đặt, sản xuất, vận hành và/hoặc bảo trì hệ thống điện/điện tử.
♦ Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Đến với ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức từ cơ bản thông qua các môn cơ sở ngành như: Linh kiện và mạch điện tử, Hệ thống số và máy tính, Tin học, Lý thuyết tín hiệu hệ thống thông tin, Xử lý tín hiệu số, Trường điện từ và kỹ thuật siêu cao tần…đến kiến thức chuyên sâu về một hoặc một vài lĩnh vực khác nhau của ngành như: Kỹ thuật điện tử – máy tính (Hệ thống nhúng, Tương tác người – máy, Hệ thống VLSI, Thiết bị ngoại vi và kỹ thuật ghép nối…) ; Xử lý tín hiệu và truyền thông (Xử lý ảnh, Xử lý tiếng nói, Công nghệ phát thanh truyền hình số, Truyền thông đa phương tiện, Bảo mật thông tin…); Điện tử công nghiệp và tự động hóa, mạng truyền thông công nghiệp; Thiết kế vi mạch…
Người tốt nghiệp chương trình đại học ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có những kỹ năng:
– Nắm chắc các kiến thức cơ bản liên quan đến các lĩnh vực Điện tử máy tính, Xử lý tín hiệu truyền thông, Điện tử công nghiệp, tự động hóa.
– Nắm vững kiến thức tổng thể về một hệ thống điện – điện tử hiện đại từ các lõi xử lý trung tâm, vi xử lý, vi điều khiển đến các giao tiếp ghép nối ngoại vi, giao tiếp với hạ tầng truyền thông và các hệ điều hành, hệ điều hành thời gian thực (RTOS), ưu tiên sử dụng mã nguồn mở.
– Làm chủ các công nghệ nguồn, từ đó có khả năng tư duy độc lập và hợp tác theo nhóm để thiết kế, xây dựng, phát triển hoặc triển khai, vận hành bảo dưỡng các hệ thống điện – điện tử phục vụ trong các lĩnh vực như truyền thông, công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, tự động hóa, điện tử y sinh, giao thông vận tải, hàng không vũ trụ, an ninh, quân sự …
– Sử dụng thành thạo các thuật toán, công cụ về tích hợp hệ thống nhúng, thiết kế số, ngôn ngữ mô tả phần cứng; các công cụ thiết kế mạch in điện tử PCB, các công cụ mô phỏng trợ giúp thiết kế.
– Thu thập và xử lý dữ liệu, sử dụng thành thạo các thuật toán và công cụ xử lý tín hiệu tương tự và số. Nắm được các nguyên lý cơ bản về truyền dẫn cao tần RF, các thuật toán về nén dữ liệu và các thuật toán bảo mật.
– Hiểu biết về linh kiện, cụm linh kiện, nguyên tắc an toàn điện trong các hệ thống, bảng mạch điện – điện tử.
– Nắm chắc các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản trong lĩnh vực điện điện tử.
– Có khả năng tiếp cận với các thành tựu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực điện – điện tử.
Cuối khóa học, sinh viên sẽ thực hiện đồ án tốt nghiệp, thực tập tại các doanh nghiệp liên kết với Học viện. Đây chính là môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiếp cận với các hệ thống điện – điện tử đa dạng và hiện đại.
Ngoài khả năng chuyên môn, sinh viên được đào tạo để có các kỹ năng quản lý và kỹ thuật cần thiết để tham gia thiết kế, ứng dụng, lắp đặt, sản xuất, vận hành và (hoặc) bảo trì hệ thống điện/điện tử; có phương pháp làm việc khoa học và chuyên nghiệp, có tư duy hệ thống và tư duy phân tích, có khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và khả năng làm việc nhóm, hội nhập được trong môi trường quốc tế.
♦ Học Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử ra trường làm gì?
Sinh viên hoàn thành chương trình Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có thể làm việc tại các công ty, doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, kinh doanh máy tính, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị sản xuất robot, thiết bị y tế, và các thiết bị điện, điện tử khác.
Sinh viên có thể làm việc trong ngành hàng không vũ trụ, bưu chính viễn thông, phát thanh truyền hình, tham gia các dự án phát triển các hệ thống công nghệ mới như robot và điện thoại thông minh.
Sinh viên tốt nghiệp có thể theo đuổi nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực chuyên gia hoặc nghiên cứu; tiếp tục học tập nâng cao lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực điện, điện tử; tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm đào tạo về lĩnh vực điện, điện tử…