Công nghệ IoT là xu thế tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, giúp cải thiện năng suất lao động, nâng cao tính chính xác và hiệu quả kinh tế khi được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như chính phủ điện tử, giao thông thông minh, nông nghiệp, giáo dục, và y tế.
Tại Việt Nam, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, trước thách thức hội nhập kinh tế thế giới cũng như hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 58-CT/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin”.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, Chính phủ đã có nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông cả cấp quốc gia và tại các bộ, ngành, địa phương nhằm tập trung phát triển công nghệ mũi nhọn này.
Vào tháng 9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã thể hiện ý chí và quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa và hiệu quả hơn nữa ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin – truyền thông. Đặc biệt, trong Đề án của Chính phủ có nêu rõ cần đặc biệt phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Trong phương hướng phát triển nhân lực ngành thông tin và truyền thông đến năm 2020, theo Quyết định 896/QĐ- BTTTT, dự báo:
- Nhu cầu nhân lực trong các doanh nghiệp viễn thông là khoảng 150 nghìn người, trong đó, nhân lực chuyên về điện tử – viễn thông là khoảng 110 nghìn người. Tỷ lệ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 45%, trình độ trung học, sơ cấp, công nhân kỹ thuật là 55%.
- Nhu cầu nhân lực công nghiệp phần cứng là khoảng 197.000 người. Tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên là 35%, trình độ trung học, sơ cấp, công nhân kỹ thuật là 65%.
- Nhu cầu nhân lực công nghiệp phần mềm là khoảng khoảng 200.000 người. Tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên là 70%, trình độ trung học, sơ cấp, công nhân kỹ thuật là 30%.
- Nhu cầu nhân lực công nghiệp nội dung số là khoảng 104.000 người. Tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên là 60%, trình độ trung học, sơ cấp, công nhân kỹ thuật là 40%.
Cũng theo Quyết định 896/QĐ-BTTTT, trong danh mục 6 dự án ưu tiên có đến 5 dự án liên quan đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đó là:
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Thông tin và Truyền thông.
- Hoàn thiện, nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo nhân lực Thông tin và Truyền thông.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên thuộc các lĩnh vực của ngành Thông tin và Truyền thông.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Thông tin và Truyền thông.
- Hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông.
Theo khảo sát sơ bộ của Khoa Viễn Thông 2, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành điện tử, viễn thông và công nghê thông tin đều có xu hướng mở rộng kinh doanh và nghiên cứu sản phẩm và dịch vụ theo hướng IoT, do đó đều có nhu cầu nhân lực về lĩnh vực IoT trong hiện tại và tương lai.
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã đề ra chiến lược phát triển thành phố thông minh nhằm tạo ra ưu thế vượt trội trong việc xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành một nơi đáng sống và là trung tâm kinh tế tài chính khu vực và quốc tế. Trong chiến lược này, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực IoT, là một yêu cầu gần như bắt buộc để đáp ứng sự dịch chuyển cơ cấu lao động của xã hội, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam gần như chưa có trường nào triển khai tổ chức đào tạo chính quy về ngành Công nghệ IoT ngoại trừ một số trường xem đó là một chuyên ngành hoặc một hướng nghiên cứu. Do đó, sinh viên của Việt Nam khi có nhu cầu học tập và nghiên cứu về lĩnh vực IoT phải du học tại các trường đại học, cao đẳng của nước ngoài.
Mở ngành đào tạo Công nghệ IoT hoàn toàn phù hợp nhu cầu của xã hội, đúng định hướng chiến lược phát triển của đất nước và đáp ứng qui hoạch đào tạo nguồn nhân lực của ngành Thông tin và Truyền thông.