Nhu cầu nguồn nhân lực ngành Công nghệ IoT
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) tạo ra những đột phá về công nghệ khiến nhiều ngành tăng trưởng vượt bậc và không ít ngành nghề rơi vào suy thoái.
Sự biến động này đang trở thành áp lực với các tổ chức giáo dục hướng nghiệp nhằm cung ứng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu của thị trường.
Chính sự phát triển nhanh chóng của IoT (Internet of Things – một trong những công nghệ nền tảng của công nghiệp 4.0) làm các doanh nghiệp phải liên tục bổ sung cơ sở hạ tầng, đào tạo, bổ sung kiến thức công nghệ cho nhân viên, không ngừng kiếm tìm những sinh viên tiềm năng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Các trường đại học, để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội, phải điều chỉnh, bổ sung, thay đổi chương trình đào tạo…
Hiện nay, nhu cầu phát triển giao thông thông minh, quản lý dữ liệu cư dân, an ninh thông tin, thành phố thông minh v.v…đều cần những kỹ sư thuộc các ngành công nghệ cao và những nhà khoa học có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data).
Tại Mỹ, theo Cục Thống kê Lao động, tỷ lệ tăng trưởng cho các công việc liên quan đến công nghệ và máy tính dự kiến sẽ tăng trưởng 12% từ năm 2014 đến năm 2024 và bổ sung thêm 488.500 việc làm mới, nhanh hơn mức tăng trưởng trung bình cho tất cả các ngành nghề khác. Một trong những lý do chính đó là sự tăng trưởng và phát triển của lĩnh vực điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT).
Bản báo cáo thị trường của “The Tech Cities Job Watch” đã chỉ ra rằng với số lượng kết nối khổng lồ của các thiết bị IoT đã dẫn đến bài toán về dữ liệu lớn (Big Data), và hiện tại dữ liệu lớn đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của IoT; Báo cáo cũng cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương rất cao cho các chuyên gia về dữ liệu, như ở Anh, lương trung bình của chuyên gia phân tích dữ liệu là 99,587 USD, cao hơn 54% so với lương trung bình của kỹ sư phát triển dịch vụ Web (64,895 USD).
Theo dự đoán, các khu vực phát triển trên thế giới sẽ cần ít nhất 5 triệu việc làm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cho tới năm 2027. Trong đó, các nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm tới các kỹ năng về an ninh mạng, điện toán đám mây (cloud computing), phân tích dữ liệu (Data Analytics), Internet vạn vật (IoT).
Để gia nhập thị trường IoT, người lao động cần có các kiến thức vững vàng về lý thuyết cũng như thực hành về các kỹ thuật phần mềm, phần cứng, lập trình liên quan đến lĩnh vực Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu (Data Analytics), an ninh thông tin (Cybersecurity). Người lao động phải trở nên sáng tạo hơn để có thể bắt kịp và có thể kiểm soát sự thay đổi công nghệ.
Tình hình đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học ngành Công nghệ IoT chính là sở cứ quan trọng để Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xây dựng Đề án tổ chức đào tạo ngành Công nghệ IoT, phục vụ nhu cầu phát triển cho nền công nghiệp 4.0 còn non trẻ và đang có những bước phát triển đầy mạnh mẽ tại Việt Nam.