– Chiều ngày 16/9/2020, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã diễn ra Lễ công bố quyết định công nhận Hội đồng, Chủ tịch hội đồng nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự buổi lễ có, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ, đại diện Tập đoàn Viettel, VNPT, CMC, Ban lãnh đạo nhà trường và đại diện các trường đại học và học viện trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Học viện hoạt động theo mô hình có hội đồng trường là một bước tiến mới. Hội đồng Học viện với 19 thành viên, với cơ cấu phong phú, có đại diện Bộ TT&TT, đại diện của chuyên gia giáo dục đào tạo và đại diện của ba tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam: Viettel , VNPT, CMC.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ
Hội đồng Học viện đã bầu ra Chủ tịch là GS TS Từ Minh Phương với số phiếu 100% thể hiện sự nhất trí cao, đoàn kết để phát triển bền vững. Nhiều quyền của Bộ TT&TT trước đây sẽ được chuyển giao cho Hội đồng trường và tự chủ đại học sẽ thực chất hơn rất nhiều, Bộ trưởng bày tỏ sự tin tưởng.
– Mô hình hai lớp: Vừa có Hội đồng Học viện, vừa có Ban Giám đốc sẽ đem lại sức mạnh nhân đôi
Người đứng đầu ngành TT&TT nhận định, “Học viện đang từ mô hình một lớp chỉ có Ban Giám đốc sang mô hình hai lớp (có Hội đồng trường, có Ban Giám đốc, có Chủ tịch và có Giám đốc) sẽ là một khó khăn lớn cho Học viện vì còn mới mẻ, phải thay đổi nhiều thói quen, nhiều quy trình”. Nếu xử lý không khéo thì thành mâu thuẫn và kiềm chế nhau. Nhưng nếu biết cách làm, phân vai cho rõ, hỗ trợ lẫn nhau thì lại rất tốt, sức mạnh sẽ nhân đôi.
Hội đồng trường tập trung vào định hướng, đặt ra mục tiêu, chiến lược, kế hoạch; đặt ra các cơ chế để đại học giải phóng các nguồn lực của mình phục vụ phát triển; tạo ra các nguồn lực mới cho đại học, bao gồm cả nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ giám sát. Giám sát để đảm bảo đại học đi đúng hướng, đúng chiến lược, hướng tới mục tiêu và phát hiện sớm các sai sót trong cách làm nhằm điều chỉnh kịp thời Ban Giám đốc và bảo vệ Giám đốc.
GS. TS Từ Minh Phương (đứng giữa) – Chủ tịch Hội đồng Học viện Học viện Công nghệ BCVT nhiệm kỳ 2020-2025
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao cho Hội đồng Học viện nhiệm vụ ngay trong năm 2020 phải xây dựng quy chế hoạt động của Học viện. Quy chế này giống như bộ luật của trường, là khung chiến lược 5 năm tới cho Học viện; là kế hoạch năm 2020 – 2021, là nhiệm vụ của từng thành viên trong Hội đồng trường, đặc biệt là của đại diện Bộ TT&TT, đại diện chuyên gia giáo dục đào tạo và của ba tập đoàn đồng thời xây dựng hệ thống giám sát.
Ba tập đoàn công nghệ Viettel, VNPT, CMC tham gia Hội đồng trường không chỉ đóng vai trò góp ý kiến mà chủ yếu là tham gia vào hoạt động của Học viện, tham gia xây dựng các nền tảng, tham gia chủ lực vào 40% học phần chuyên sâu của sinh viên theo mô hình: 30% học kiến thức chung, 30% học kiến thức nền tảng về ngành nghề và 40% là học chuyên sâu về nghề.
Học viện sẽ cùng với ba doanh nghiệp thành lập một doanh nghiệp nghiên cứu trong Học viện, vừa huy động các nguồn lực nghiên cứu của Học viện vừa gắn kết các nhu cầu nghiên cứu của doanh nghiệp, vừa kết hợp tư duy đại học và tư duy doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với Hội đồng Học viện Học viện Công nghệ BCVT nhiệm kỳ 2020-2025
– Chuyển đổi số Học viện: Xây dựng các nền tảng số để ít nhất 70% nội dung giảng dạy được đưa lên nền tảng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, “mục tiêu của chuyển đổi số đại học là nâng cao chất lượng đào tạo nhưng giảm tải cho giáo viên, đổi mới mô hình dạy và học, hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Đào tạo giáo viên chính là đào tạo họ sử dụng các công cụ mới, mà việc này thì không khó.”
Chuyển đổi số đại học chính là tập trung thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng các công nghệ số. Học viện đầu tư xây dựng các nền tảng số để ít nhất 70% nội dung giảng dạy được đẩy trên nền tảng. Giáo viên sẽ tập trung vào việc tạo ra giá trị gia tăng dựa trên các nền tảng này. Tinh hoa nhân loại, tinh hoa Việt Nam, tinh hoa đại học, tinh hoa của Học viện và tinh hoa của công nghệ sẽ được đưa lên nền tảng này. Nền tảng này là nền tảng mở để liên tục được cập nhật, tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách thức thi, kiểm tra. Học viện làm xong nền tảng này thì mặt bằng của Học viện sẽ ngay lập tức được nâng lên một mức rất đáng kể.
Bộ trưởng giao cho Học viện trong năm 2020 – 2021 phải tập trung xây dựng các nền tảng và các doanh nghiệp công nghệ trong ngành có thể hỗ trợ. Học viện sẽ ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là một trường đại học truyền thống với vai trò phát triển công nghệ và nội dung dạy học. Học viện sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình lên các nền tảng.
Muốn chuyển đổi số đại học thì việc đầu tiên là đưa toàn bộ Học viện thành một quốc gia số thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của Học viện, của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong Học viện sẽ có một định danh số. Học viện là một xã hội thu nhỏ, mà là người trẻ năng động về công nghệ sẽ rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số tại đây. Muốn đào tạo nhân lực chuyển đổi số thì hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số và đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất.
Bộ trưởng tin tưởng, Quý IV năm 2020 và Quý I năm 2021 là thời gian để Học viện hợp tác với một công ty công nghệ số để xây dựng nên một đại học số. Học viện đang hội tụ cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là sự xuất hiện các công nghệ đào tạo mới, mô hình đào tạo mới mang tính đột phá. Địa lợi là công nghệ số trở thành kỹ năng thiết yếu, là nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội. Nhân hòa là Học viện đang có được sự thống nhất, đoàn kết cao, nhất là trong lãnh đạo.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện đã bày tỏ cảm ơn đối với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ TT&TT đối vói Học viện trong suốt thời gian qua.
GS. TS Từ Minh Phương cho biết, hiện nay Học viện đã phát triển lên quy mô 14 nghìn sinh viên, thuộc tốp trường đứng đầu quốc gia về chất lượng đào tạo, đặc biệt đối với những ngành liên quan đến công nghệ số. Học viện đã thực hiện cơ chế tự chủ cách đây 5 năm, đến nay đã hoàn toàn tự chủ về kinh phí. Học viện là trường đại học trực thuộc Bộ TT&TT – cơ quan đang dẫn dắt quốc gia về chuyển đổi số, là đơn vị nghiên cứu có truyền thống lâu năm và có cơ sở đào tạo trên cả hai miền đất nước. Đây là thuận lợi cơ bản, tiền đề quan trọng cho những bước phát triển tiếp theo của Học viện.
Sự ra đời của Hội đồng Học viện theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi là tiền đề quan trọng để Học viện phát huy đầy đủ quyền tự chủ của mình. Vận hành tốt thiết chế mới này, Học viện sẽ có cơ hội xây dựng cơ chế quản trị đại học tiên tiến, tạo ra các nguồn lực mới, giúp Học viện xác định đúng và tập trung vào các mục tiêu chiến lược, minh bạch hóa hoạt động. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất, là mục tiêu hướng tới của Hội đồng học viện trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch Hội đồng Học viện Từ Minh Phương cam kết.
Danh sách Hội đồng Học viện Học viện Công nghệ BCVT nhiệm kỳ 2020-2025
Thành viên đương nhiên:
1. Ông Vũ Văn San: Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
2. Ông Tân Hạnh: Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
3. Ông Nguyễn Bá Hiếu: Ủy viên BCH Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện, Sinh viên Đại học chính quy năm thứ ba.
Đại diện Bộ TT&TT
4. Ông Lê Xuân Công – Vụ trưởng Vụ KHCN – Bộ TT&TT
5. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT
Thành viên bầu:
6. Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC
7. Ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BCVT Việt Nam
8. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục Đào tạo
9. Ông Tào Đức Thắng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội
10. Ông Trần Quang Anh – Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
11. Ông Đặng Hoài Bắc – Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
12. Ông Vũ Tuấn Lâm – Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
13. Bà Đặng Thu Hà – Trưởng Phòng Phòng Tổ chức Cán bộ lao động, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
14. Ông Nguyễn Chí Thành – Trưởng Phòng Phòng Giáo vụ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
15. Ông Nguyễn Tiến Ban – Trưởng khoa Viễn thông 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
16. Ông Võ Nguyễn Quốc Bảo – Trưởng khoa Viễn thông 2, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
17. Ông Nguyễn Lương Nhật – Trưởng khoa Kỹ thuật điện tử 2, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
18. Ông Từ Minh Phương – Trưởng khoa Công nghệ thông tin 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
19. Ông Nguyễn Trung Kiên – Viện trưởng Viện CNTT và Truyền thông CDIT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Giang Phạm
Nguồn: https://mic.gov.vn/