– Lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư cho TS.Vũ Văn San, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) vừa được tổ chức hôm qua, ngày 15/6 tại Hà Nội.
GS. TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh (bên trái), Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư liên ngành Điện – Điện tử – Tự động hóa trao Quyết định công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư cho TS. Vũ Văn San (bên phải), Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: Đình Dũng)
– Lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư cho TS.Vũ Văn San, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) vừa được tổ chức hôm qua, ngày 15/6 tại Hà Nội.
– Với việc TS.Vũ Văn San, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, tính đến thời điểm hiện tại, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có 21 Giáo sư và Phó Giáo sư. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng, góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Học viện.
– Ông Vũ Văn San sinh ngày 5/10/1961, từng là học viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (khi đó là trường Đại học Bưu điện-Vô tuyến điện – PV) từ năm 1978 – 1983, sau đó bảo vệ Thạc sĩ cũng tại Học viện. Năm 1999, ông Vũ Văn San bảo vệ Tiến sĩ Điện tử Viễn thông tại Hàn Quốc.
– Tháng 7/1983, ông Vũ Văn San vào làm chuyên viên Phòng Nghiên cứu kỹ thuật thông tin quang thuộc Viện Kỹ thuật Bưu điện – Tổng cục Bưu điện. Sau đó được bổ nhiệm làm Phó Phòng, Trưởng phòng. Đến tháng 2/2003, ông Vũ Văn San chuyển sang Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT). Tháng 5/2005, ông được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ. Vào tháng 12/2014, ông San được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; tháng 5/2015, được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Phụ trách Học viện; và chính thức được giao trọng trách Giám đốc Học viện vào ngày 23/9/2015.
TS Vũ Văn San cùng các Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư. (Ảnh: Đình Dũng)
– Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT được thành lập năm 1997 trên cơ sở sắp xếp lại 4 đơn vị thành viên của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn ưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT) bao gồm: Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện Kinh tế Bưu điện và 2 Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 1, 2. Từ ngày 1/7/2014, Học viện được điều chuyển từ VNPT về Bộ TT&TT, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ với vị thế là trường đại học, trung tâm nghiên cứu trọng điểm của ngành TT&TT.
– Sau hơn 20 năm phát triển, Học viện hiện có 15 khoa đào tạo đại học và sau đại học, 3 Viện nghiên cứu và 2 Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn. Trường hiện có 9 ngành đào tạo, trong đó có những ngành mới như An toàn thông tin, Công nghệ đa phương tiện và Truyền thông đa phương tiện. Đào tạo sau đại học cũng được mở rộng, đến nay đã có 5 chuyên ngành đào tạo cho cả trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ. Tổng số giảng viên của Học viện khoảng 500 trong đó hiện nay có 21 Giáo sư, Phó Giáo sư và 80 Tiến sĩ.
– Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xác định tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành tổ chức giáo dục – đào tạo, nghiên cứu có tính cạnh tranh, hội nhập quốc tế cao và nằm trong nhóm 20 trường đại học đứng đầu về chất lượng giáo dục – đào tạo và năng suất nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Nhà trường đặt mục tiêu chiến lược là Phát triển Học viện trở thành một tổ chức giáo dục-đào tạo, nghiên cứu theo mô hình của các trường đại học hiện đại trên thế giới với hệ thống tổ chức, quản lý hiệu quả cao trên cơ sở chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển trong lĩnh vực TT&TT và xã hội.
(nguồn tin từ Infonet)