Trong các ngày từ 23/23/2023 đến 25/12/2023, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu, Đổi mới và Tầm nhìn cho tương lai RIVF 2023. Đây là sự kiện khoa học lớn dành cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ máy tính và truyền thông trên toàn thế giới thu hút hơn 100 nhà khoa học tham gia. Tham dự Hội nghị, về phía Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có GS.TS Từ Minh Phương – Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện, PGS.TS Trần Quang Anh – Phó Giám đốc Học viện và nhiều giảng viên, nhà khoa học thuộc các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện.
Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội nghị, PGS.TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chinh Viễn thông cho biết là trường đại học duy nhất trực thuộc Bộ TT&TT, PTIT đã trở thành trường đại học hàng đầu, có tầm nhìn và phát triển nhanh tại Việt Nam và tiên phong trong chuyển đổi số. Trong 26 năm qua, PTIT đã thể hiện sự xuất sắc trong hoạt động học thuật với trọng tâm là nâng cao số lượng và chất lượng đầu ra nghiên cứu bằng cách thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu và hợp tác với các học giả quốc tế. Phó Giám đốc PTIT bày tỏ: “PTIT rất vinh dự khi được là đơn vị tổ chức RIVF’23 trong chuỗi RIVF đã trở thành sự kiện khoa học lớn dành cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ máy tính và truyền thông, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới”.
Một trong những diễn giả trình bày chính tại Hội nghị, TS An Mei Chen, Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật Qualcomm, Inc cho biết chuyển đổi số đang diễn ra trong tất cả các ngành. Mạng di động thế hệ thứ năm (5G) đang được triển khai thương mại trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. 5G sẽ mang lại 13,1 nghìn tỷ USD doanh thu toàn cầu vào năm 2035. 5G mở rộng vùng phủ sóng và dung lượng, mang đến một loạt thiết bị và dịch vụ 5G mới. Việt Nam khai trương mạng 5G trong năm 2024 nên nghiên cứu các ứng dụng 5G (use case) riêng cho Việt Nam, trong đó quan tâm đến các ứng dụng cho nhà máy thông minh, đô thị thông minh khi các đô thị thông minh đang được xây dựng mới.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học trên thế giới cũng đã trình bày nhiều tham luận xung quanh các chủ đề: Xử lý hình ảnh, ngôn ngữ, giọng nói; Truyền thông & Mạng máy tính, An ninh mạng; Hệ thống phân tán, Internet vạn vật, Điện toán đám mây; Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Phân tích dữ liệu lớn, Máy tính thông minh; Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Mô hình tính toán.
Được biết, RIVF’23 đã nhận được 196 bài báo của 503 tác giả từ 23 quốc gia khác nhau một cách ấn tượng. Với 101 bài báo xuất sắc được chấp nhận trình bày, RIVF nhằm mục đích tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu và nhà đổi mới thảo luận các vấn đề, chia sẻ kết quả, xác định các vấn đề mới nổi và thiết lập sự hợp tác học thuật trong các lĩnh vực điện toán và truyền thông khác nhau. Hội nghị được tổ chức làm 3 phiên chính và 1 phiên bài học mở do TS Nguyễn Lê Minh – Giáo sư Viện Khoa học tiên tiến JAIST (Nhật Bản) trình bày trước 500 sinh viên Học viện về chủ đề “Mô hình ngôn ngữ lớn cho các ứng dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên”.
Từ năm 2003, RIVF đã trở thành sự kiện khoa học lớn dành cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ máy tính và truyền thông, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Trước đây, chuỗi hội nghị này được tổ chức hàng năm. Kể từ hội nghị lần thứ 9 năm 2012, RIVF được tổ chức khoảng 18 tháng một lần, xen kẽ giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Tại Hội nghị RIVF 2007, Hiệp Kỹ sư điện và Điện tử (IEEE) Việt Nam đã được thành lập và kể từ đó RIVF đã trở thành hội nghị của IEEE./.