Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Báo Ngươi Lao động ký hợp tác nhằm phát huy những lợi thế của nhau trong lĩnh vực đào tạo báo chí, chuyển đổi số báo chí…
Ngày 19/1/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người Lao Động và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký hợp tác trong đào tạo, chuyển đổi số báo chí. Tham dự buổi Lễ có, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; TS. Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, ông Lê Cao Cường, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động và đại diện Lãnh đạo các phòng, ban của hai đơn vị.
TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chia sẻ cách đây 20 năm, báo chí ở Việt Nam hầu như chưa có khái niệm báo điện tử, mà lúc bấy giờ chủ yếu là báo in. Cuối năm 1997, Việt Nam kết nối internet với toàn cầu và bắt đầu chuyển mình từ báo in qua báo điện tử. Trong khoảng 10 năm đầu còn chậm nhưng sau đó thì phát triển rất nhanh với sự ra đời của mạng xã hội.
Chuyển đổi số là con đường tất yếu. Nhận thức được điều này, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã sớm quyết tâm thay đổi. Cách đây 3 năm, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Đảng ủy và Ban biên tập đã thống nhất chuyển đổi số và ra nghị quyết để chuyển đổi số. Nguồn lực tài chính của Báo Người Lao Động thời điểm thực hiện chuyển đổi số rất hạn chế nên báo chọn cách làm từng bước; dễ làm trước, khó làm sau. Đầu tiên là thay đổi và thống nhất nhận thức trong cơ quan; tiếp đó là nâng cao kiến thức bằng cách mời các chuyên gia hướng dẫn để cán bộ, phóng viên, nhân viên có thể hiểu rõ chuyển đổi số là gì…
Tổng Biên tập Tô Đình Tuân cũng chia sẻ thêm, trước đây khi xuất bản báo in thì mỗi đêm các nhân sự thuộc nhiều bộ phận phải gặp nhau, làm việc trực tiếp tại cơ quan. Nhưng khi ứng dụng phần mềm thì không gặp nhau vẫn xuất bản báo bình thường. Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hoạt động xuất bản vẫn diễn ra đều đặn, không bị gián đoạn dù các nhân sự trong báo đều làm việc từ xa, do đó không bị lây nhiễm COVID-19. Đấy là thắng lợi của chuyển đổi số.
PGS-TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đánh giá việc ký kết giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Báo Người Lao Động trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu về báo chí, đặc biệt là chuyển đổi số trong báo chí, là nhu cầu tất yếu. Học viện đang có ngành đào tạo về báo chí theo định hướng báo chí số và cũng là 1 trường công nghệ có rất nhiều chuyên gia giỏi.
“Hiện nay, công nghệ đã xâm nhập vào trong báo chí rất mạnh mẽ. Dùng trí tuệ nhân tạo có thể làm ra 1 bảng tin chỉ trong 30 giây đến 3 phút tùy độ khó của bảng tin. Vì vậy, chúng ta phải làm chủ và tận dụng các ưu thế của công nghệ cũng như là hạn chế tác động không mong muốn của công nghệ đến các lĩnh vực khác, cố gắng tận dụng, khai thác các khía cạnh tích cực… Do vậy, học viện rất mong muốn được đồng hành với một số báo lớn như Báo Người Lao Động trong việc hỗ trợ chuyển đổi số báo chí” – PGS-TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nói.
Trong thời gian tới, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ đẩy mạnh đào tạo về đa phương tiện, báo chí, truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, việc gắn kết với Báo Người Lao Động là 1 việc mà học viện rất quan tâm. Trong lần hợp tác này, hai bên sẽ tập trung ứng dụng công nghệ trong việc chuyển đổi số báo chí. Học viện cũng rất mong muốn tới đây, sinh viên của ngành báo chí, truyền thông đa phương tiện sẽ được thực tập tại môi trường tốt như Báo Người Lao Động để những phóng viên trong tương lai có thể tiếp cận với báo chí chuyên nghiệp đồng thời mong muốn xây dựng tòa soạn số hội tụ trong học viện để đào tạo, nghiên cứu những công nghệ mới trong báo chí.
Tại lễ ký kết, ông Lê Cao Cường, Tổng Thư ký Toà soạn Báo Người Lao Động, cho biết cuối tháng 12-2023, Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc năm 2023. Báo Người Lao Động vào Top 10 cơ quan báo chí có mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí ở mức xuất sắc trong cả nước; ở khối địa phương, Báo Người Lao Động dẫn đầu trong Top 5.
Nhưng chuyển đổi số tại Báo Người Lao Động cũng gặp phải 3 khó khăn cơ bản. Thứ nhất, đến thời điểm này chưa có một mô hình chung về chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí. Những gì Báo Người Lao Động làm và đạt được đều tự học hỏi, tự làm. Thứ hai là vấn đề kinh phí. Thứ 3 là xây dựng app riêng biệt cho Báo Người Lao Động, vẫn chưa tìm được những đối tác công nghệ lớn mà am hiểu về báo chí.
“Qua làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thì được biết học viện có đào tạo báo chí với cách đào tạo thiên về công nghệ. Tôi nghĩ điều này phù hợp với xu thế hiện nay”- ông Lê Cao Cường đánh giá.
Nguồn: Báo người Lao động