Ngày 14/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 (Nghị quyết 29) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” dưới hình thức trực tuyến.
Dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT; Lại Xuân Môn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Đại diện Lãnh đạo Học viện, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện đã tham dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Nghị quyết đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết cũng thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược với giáo dục, cũng như tầm nhìn phát triển bền vững đất nước trong trước mắt, cũng như lâu dài. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu nêu ra trong Nghị quyết. Đến nay, sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng”.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện nhìn nhận, Nghị quyết 29/NQ-TW có tính thực tiễn rất cao và đi vào đời sống. Chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đã bước đầu phát triển, đáp ứng được yêu cầu của các đối tác lớn về công nghệ. Trong quá trình hoạt động, Học viện đã tiếp thu và có sự tự chủ, áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý, điều hành. Từ thực tiễn hoạt động của Học viện, Giám đốc Học viện đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để góp phần đưa Nghị quyết 29 thực sự đi vào thực tiễn trong thời gian tới.
Thứ nhất, Nhà nước cần có các quy hoạch về giáo dục đại học một cách rõ ràng, nhất là với các trường tự chủ. Nếu tự chủ nhưng không được hỗ trợ từ xã hội thì sẽ còn nhiều khó khăn. Cần có định hướng rõ ràng về cơ chế từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, hiện có một số trường đại học ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và đã tạo ra những hiệu quả. Tầm nhìn từ nay đến năm 2030, nước ta nên đầu tư thí điểm vào một số trường đại học có sức ảnh hưởng với nước ngoài để nâng tầm chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam.
Thứ ba, sinh viên có thể nói là lực lượng tinh hoa của đất nước. Các em cần được định hướng, có sự gắn kết của doanh nghiệp và nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, xã hội để tạo động lực học tập, hình thành trí thức mới, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số của nước nhà.
Tại hội nghị, các đại biểu được lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ban, ngành, trường học trên cả nước về kết quả thực hiện Nghị quyết 29, đồng thời nêu ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần phải thực hiện quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, gồm: Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, trong đó sớm xây dựng Luật Nhà giáo; tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả số lượng, cơ cấu, chất lượng đào tạo…