Trung tâm hợp tác khởi nghiệp về biến đổi khí hậu (BĐKH) (CCE Hub), đặt tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), là không gian sáng tạo chuyên dụng được thiết kế để cung cấp không gian cộng đồng cho những người sáng lập và khởi nghiệp.
Ngày 27/9/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Công ty CP Công nghệ VMO Holdings (VMO), đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và khai trương Trung tâm Hợp tác Khởi nghiệp về BĐKH (CCE Hub).
Với việc ký kết và khai trương CCE Hub, các bên thống nhất cùng nhau hướng đến thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực BĐKH thông qua việc sử dụng các nguồn lực doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, khai thác công nghệ, để từ đó giảm thiểu BĐKH và tăng trưởng kinh tế bằng nguồn năng lượng sạch.
Cùng với đại diện các đơn vị tham gia ký kết, sự kiện còn có sự tham gia và chứng kiến của đại diện Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và các DN trong lĩnh vực IC Design.
CCE Hub tạo một không gian sáng tạo và khởi nghiệp tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu bền vững
Bà Dorothy McAuliffe, Đặc phái viên về Quan hệ Đối tác Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cùng với các đối tác tổ chức và triển khai của chúng tôi, đã sẵn sàng sử dụng trung tâm này trong những năm tới để nhận diện và quy tụ các doanh nhân tập trung phát triển bền vững và trang bị cho họ các công cụ và nguồn lực cần thiết để đưa ra thị trường các giải pháp về BĐKH phù hợp. Chúng tôi tin tưởng trung tâm CCE sẽ góp phần thúc đẩy phát triển Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được thiết lập giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong chuyến thăm gần đây của Tổng thống Biden khi chúng ta cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng về BĐKH”.
Đại diện cho Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết chương trình CCE Hub là một sáng kiến về hợp tác theo hình thức công tư nhằm mục đích giải quyết khủng hoảng khí hậu và góp phần trao quyền kinh tế ở các nước đang phát triển bằng cách nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh tập trung vào các giải pháp khí hậu. Sau châu Phi, Việt Nam là nước thứ hai chương trình CCE triển khai với hoạt động đầu tiên là cung cấp không gian sáng tạo cho những người sáng lập và khởi nghiệp về lĩnh vực BĐKH.
Phó Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tuyên bày tỏ vui mừng vì CCE Hub được đặt tại PTIT, trường đại học duy nhất trực thuộc Bộ TT&TT. “Việc hợp tác này cũng thể hiện vai trò của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong các nỗ lực chung của Bộ TT&TT và của Việt Nam đối với vấn đề cấp thiết của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung”.
Mục tiêu của CCE Hub là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các DN có khả năng tồn tại trên thị trường, đi tiên phong trong các giải pháp bền vững mới nổi hoặc đổi mới các giải pháp hiện có. Tập trung vào tính bền vững, đó là năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững, tài chính khí hậu, khả năng phục hồi và chống chịu với BĐKH cũng như các dự án phục hồi.
Chia sẻ về CEE Hub, ông Trần Quang Anh, Phó Giám đốc PTIT, hy vọng: “CCE Hub sẽ tạo một không gian sáng tạo chuyên dụng được thiết kế cho người sáng tạo và khởi nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu bền vững như năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững, tài chính khí hậu, khả năng phục hồi và thích ứng với khí hậu và các dự án phục hồi. Với vai trò là đơn vị quản lý CEE Hub tại Việt Nam, PTIT và VMO sẽ nỗ lực là cầu nối của cộng đồng DN và có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của môi trường và BĐKH và lợi ích cộng đồng”.
Để ghi nhận vai trò quan trọng của tinh thần khởi nghiệp trong việc giải quyết vấn đề BĐKH, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thành lập Chương trình Hợp tác Khởi nghiệp về BĐKH (CCE) tại COP26 ở Glasgow với tư cách là đối tác công tư giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các đối tác thuộc khu vực tư nhân. CCE nhằm mục đích giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và góp phần trao quyền kinh tế cho các nước đang phát triển bằng cách nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp tập trung vào các giải pháp khí hậu.
Thông qua hỗ trợ vốn, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, tiếp cận cố vấn và xây dựng mạng lưới trong giai đoạn đầu và giai đoạn tăng trưởng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các đối tác có thể giúp các doanh nhân về BĐKH thu hút các bên liên quan, cải thiện thiết kế, tạo dựng chỗ đứng trong thị trường doanh nghiêp, từ đó triển khai các công nghệ và giải pháp hiệu quả để tạo ra tác động lớn hơn trên toàn cầu.
Ngày 10/9, Hoa Kỳ và Việt Nam công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tổng thống Joe Biden hoan nghênh các cam kết về khí hậu của Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), cũng như mục tiêu không phát thải nhà kính vào năm 2050 của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh sự đóng góp của Hoa Kỳ trong việc huy động tài chính công và tư nhân cho JETP của Việt Nam và hợp tác với cộng đồng quốc tế để đảm bảo thực hiện thành công đồng thời đảm bảo chủ quyền, an ninh năng lượng và khả năng chi trả của quốc gia.
Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính lẫn công nghệ khí hậu tiên tiến để thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu. Việt Nam hoan nghênh các dự án do các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, tài trợ trong các lĩnh vực ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo./.
Nguồn: https://ictvietnam.vn/