Ngày 17/9/2023, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã tô chức Lễ Mít tinh kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Bưu điện – Vô tuyến điện (1953 – 2023), đơn vị tiền thân của Học viện.
Buổi Lễ kỷ niệm có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, GS. TSKH. Đỗ Trung Tá – nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các đơn vị đối tác, các địa phương nơi trường từng đóng quân và các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, giảng viên, học viên và sinh viên Học viện.
Đọc diễn văn tại buổi Lễ, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện đã ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển của trường. Theo đó, 70 năm đã trôi qua kể từ khi mái trường Bưu điện – Vô tuyến điện (VTĐ) đầu tiên được thành lập ngày 7/9/1953 tại xã Cao Vân – Huyện Đại từ – Tỉnh Thái Nguyên với nhiệm vụ với nhiệm vụ đào tạo hệ trung cấp: Đào tạo cán bộ có khả năng tương đương với Trưởng ty; Hệ sơ cấp: đào tạo theo hai ban là Ban Khai thác nghiệp vụ, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ khai thác Bưu vụ và Điện thoại viên; Ban Kỹ thuật đào tạo điện khí và điện tuyến viên. Đây là trường đào tạo cán bộ Bưu điện đầu tiên dưới chế độ mới.
Trải qua nhiều lần đổi tên như: Trường Chuyên nghiệp Bưu điện, trường Cán bộ Bưu điện – Truyền thanh, trường Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc, Trường Cán bộ Bưu điện, Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông I và nay là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, mặc dù quy mô và cấp độ đào tạo có thay đổi cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, song mái trường này vẫn là “cái nôi” đào tạo cán bộ lớn nhất trong cả nước về Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin.
Trong hoạt động Giáo dục Đào tạo,Học viện đã và đang trở thành điểm sáng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trong chiến lược chuyển đổi số Giáo dục Đại học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo định hướng lai ghép đa ngành, đa lĩnh vực như Truyền thông Đa phương tiện, Thương mại Điện tử, Công nghệ Tài chính, Công nghệ IoT, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Báo chí số… để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong thời gian tới, Học viện sẽ mở thêm một số ngành đào tạo định hướng chuyển đổi số như ngành Kinh tế số, Công nghệ Game, …
Trong hoạt động Nghiên cứu Khoa học, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn duy trì vị thế là đơn vị dẫn đầu trong việc thực hiện các hoạt động Nghiên cứu Khoa học theo đặt hàng từ doanh nghiệp và từ xã hội, khẳng định là một trong các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và công nghệ thông tin của Quốc gia. Bên cạnh các đề tài, nhiệm vụ theo đặt hàng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Học viện là địa chỉ hợp tác đáng tin cậy trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các hãng, các công ty lớn trong và ngoài nước như Qualcomm, Samsung, Naver, VinGroup, Naver, VNPT…
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện khẳng định: “70 năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, sự giúp đỡ chí tình của bạn bè trong nước và quốc tế; bằng sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ và sinh viên, Trường Bưu điện – Vô tuyến điện trước đây và ngày nay là Học viện Công nghệ Bưu điện đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ chiến đấu và sản xuất kinh doanh, đã có những đóng góp và cống hiến to lớn cho sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học – giáo dục – đào tạo đã được Đảng, Nhà nước, Ngành và nhân dân tin tưởng giao phó. Hiện Học viện là một trong các trường Đại học dẫn đầu về chuyển đổi số giáo dục với một hệ sinh thái số hoàn chỉnh dành cho sinh viên.”.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thân ái gửi đến các thế hệ Cán bộ, công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện những tình cảm tốt đẹp và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hôm nay thực sự là một ngày hội lớn của trường, các thế hệ đã hội tụ về đây, trong không khí vui tươi, phấn khởi của lớp lớp thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên của Học viện. “Tôi rất vui mừng tới dự, chung vui cùng một sự kiện nhiều ý nghĩa, ấm áp tình thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè của thầy và trò Học viện”, Bộ trưởng bày tỏ.
Suốt 70 năm qua, cùng với các giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhà trường đã trải qua nhiều lần đổi tên, Nhưng ở giai đoạn nào “Trường cũng hoàn thành sứ mệnh cao cả là trồng người của mình”. “Nhà trường đã đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý có năng lực và tâm huyết, đáp ứng kịp thời nhu cầu của Ngành trong suốt các thời kỳ cách mạng, từ trong kháng chiến chống thực dân xâm lược, rồi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, và sau đó là Đổi mới và nay là xây dựng Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao”, Bộ trưởng ghi nhận.
Cũng theo Bộ trưởng, thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận có thể biến một việc rất khó, không khả thi thành một việc khả thi. Ước mơ lớn và góc nhìn mới là dấu hiệu và cũng là điều kiện để trở thành một nhà lãnh đạo Học viện thời Chuyển đổi số.
“Lãnh đạo của Học viện phải là các nhà lãnh đạo thời Chuyển đổi số. Mỗi thế hệ phải kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Chỉ có như vậy thì dòng chảy của Học viện mới liên tục. Học viện đang có một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ, nhiệt huyết, đoàn kết và có khát vọng. Hãy đi con đường của mình và viết nên câu chuyện của thế hệ mình. Hãy đến một đích mới, tìm và tìm ra thế hệ kế tiếp và rời đi để cho một thế hệ khác viết nên một trang mới nữa của Học viện”.
“Cách tốt nhất để tôn vinh các thế hệ đi trước là làm cho Học viện phát triển và làm cho Học viện phát triển lên một tầm cao mới. Thế hệ hôm nay có điều kiện hơn thế hệ đi trước thì phải có giấc mơ lớn hơn và phải có những đóng góp lớn hơn cho Học viện. Thế hệ lãnh đạo Học viện hôm nay phải nhận lấy trách nhiệm này”.
Bộ trưởng mong muốn toàn thể Cán bộ công nhân viên, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên Học viện tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, đi đầu và 10 chữ vàng: “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình” của Ngành và phương châm hành động mới “Làm gương – Kỷ cương – Trọng tâm – Bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 của Học viện.
Là cựu sinh viên, giảng viên của trường, GS. TSKH. Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông xúc động nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng là sinh viên, giảng viên của trường. GS. TSKH. Đỗ Trung Tá cũng chia sẻ để có sự trưởng thành ngày hôm nay là có sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè và mỗi sinh viên cần nhất sự kiên nhẫn, say mê và cống hiến. GS.TSKH Đỗ Trung Tá bày tỏ mong muốn “Thế hệ sinh viên hôm nay cần chú ý một số điểm: thông minh hoá hạ tầng số; tri thức hoá nguồn nhân lực và toàn cầu hoá mọi tiềm năng của đất nước; tiêu chuẩn hoá cuộc sống như tiêu chuẩn và đạo đức về AI phục vụ phát triển”.
Tiếp nối lịch sử 70 năm của trường, GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện cho biết: “Giữ vững tinh thần “Trung thành – Dũng cảm – Tận tuỵ – Sáng tạo – Nghĩa tình” của Ngành, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới, tập thể, cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên của Học viện sẽ nỗ lực, năng động, sáng tạo hơn nữa để xây dựng Học viện trở thành đơn vị nghiên cứu và đào tạo xuất sắc, đóng góp nhân lực, tri thức và chuyển giao công nghệ phục vụ Chuyển đổi số quốc gia. Giữ vững tinh thần tiên phong trong Chuyển đổi số đào tạo, khẳng định vai trò trường đại học hàng đầu về đào tạo và nghiên cứu cho ngành và cho đất nước.
Tại Lễ kỷ niệm, Lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã trao kỷ niệm chương tri ân các địa phương nơi trường Bưu điện từng đóng quân và tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu của trường Bưu điện qua các thời kỳ. Cũng tại buổi Lễ, các đại biểu tham dự đã bấm nút khai trương Hệ thống Đại học số PTIT.