Ngày 01/11/2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) đã chính thức công bố quyết định thành lập Lab “Bưu chính số” của Học viện. Lab Bưu chính số có tên tiếng Anh là The PTIT PostX của Học viện đặt tại Cơ sở đào tạo tại Hà Nội, hoạt động theo quy định của Học viện. Lab gồm 22 thành viên các chuyên gia, giảng viên của PTIT, Vụ Bưu chính – Bộ TT&TT; Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội, công ty Logistics – VNPost, Học viện Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Ngân hàng Nhà nước… Trưởng Lab là TS. Vũ Trọng Phong, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh 1 – Học viện Công nghệ BCVT.
Phấn khởi trao quyết định thành lập phòng Lab, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT nhấn mạnh thực hiện Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã giao Học viện thực hiện xây dựng và thành lập phòng Lab Bưu chính số.
Trong thời gian qua, Giám đốc Học viện cho biết đơn vị đặc biệt quan tâm thúc đẩy xây dựng phòng Lab Bưu chính số và sẽ đầu tư để Lab thực hiện một số nghiên cứu tiếp cận một số lĩnh vực mới cũng như hình thành một số công bố tầm quốc tế về bưu chính số, logistics. Học viện cũng tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, giao lưu, học hỏi… với các đối tác nước ngoài.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính – Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chuyên gia cao cấp của phòng Lab, chia sẻ phòng Lab Bưu chính số trước mắt cần tập trung vào 5 nhiệm vụ, gồm: chiến lược, cơ cấu tổ chức – quy trình, con người, tài chính và cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị công nghệ.
Lab Bưu chính số sẽ tiến hành nghiên cứu khoa học và công nghệ, tư vấn, tập trung vào các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bưu chính truyền thống, bưu chính thế hệ mới trên nền tảng công nghệ, logistics và chuỗi cung ứng, cũng như cung cấp các luận cứ khoa học ứng dụng hỗ trợ công tác xây dựng các chính sách, thể chế, chiến lược.
Đồng thời, Lab Bưu chính số cũng cung cấp góc nhìn về mặt khoa học dưới góc độ học thuật và góc độ ứng dụng để có thể hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bưu chính cũng như lĩnh vực logistics, trong phạm vi liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Học viện để góp phần định vị giá trị của bưu chính, “last mile logistics” trong hoạt động của logistics theo định hướng của Đảng và nhà nước.
Phòng Lab có mục tiêu nâng cao uy tín, thương hiệu, ảnh hưởng cho nhóm nghiên cứu và đơn vị trong phạm vi Việt Nam và quốc tế, hợp tác nghiên cứu khoa học và hoạt động động tư vấn phát triển chiến lược cung ứng và logistics, xây dựng chính sách/thể chế nhằm phát triển chiến lược chuỗi cung ứng và logistics, xã hội số, công dân số và các hoạt động khoa học công nghệ khác…
Lab cũng có nhiệm vụ chuyển giao nghiên cứu khoa học R&D cho nhóm nghiên cứu ứng dụng để có thể hỗ trợ, tư vấn cho khối cơ quan quản lý nhà nước và DN theo đúng định hướng của Chính phủ và Bộ TT&TT; Xây dựng và phát triển các sản phẩm tư vấn chiến lược/giải pháp trong lĩnh vực bưu chính và logistics, cũng như các sản phẩm đào tạo ngắn hạn có cấp chứng chỉ/chứng nhận quốc tế và Học viện.
Bên cạnh đó, phòng Lab hỗ trợ đào tạo 2-5 thạc sỹ/năm; Tham gia hỗ trợ nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh; Đào tạo các bộ nguồn cho các doanh nghiệp/tổ chức, bộ ngành và địa phương về các nội dung liên quan tới lĩnh vực chuyên môn của phòng Lab; Tổ chức các hội nghị/hội thảo về bưu chính số, logistics, chuỗi cung ứng, các mô hình dịch vụ bán lẻ không chính thức.
Cũng tại Lễ ra mắt phòng Lab, TS. Nguyễn Văn Hùng, Viện Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đề xuất Lab có thể thực hiện đề tài nghiên cứu giải pháp phát triển bưu chính, góp phần có tiếng nói cơ sở lý luận cho Nhà nước về hoạt động bưu chính tầm nhìn đến năm 2050. Lab cần định hướng cho các học viên cao học tham gia vào các đề tài. Tiếp nữa là Lab có thể triển khai 1 đề án ứng dụng chuyển đổi số trong ngành bưu chính ở Việt Nam, tập trung hơn về nghiên cứu ứng dụng.
Nguồn: https://ictvietnam.vn