Là một trong những hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ, Ban nữ công Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đợt về nguồn, thăm lại Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam (R) – chiếc nôi của cách mạng miền Nam. Đi cùng với các chị em nữ còn các vị khách mời là các thầy trưởng khoa, trưởng các phòng ban của Học viện cơ sở.
Chuyến đi được xuất phát từ lúc 6h00’ sáng. Xe chạy đến Trãng bàng thì ghé lại để anh chị em ăn bánh canh – một đặc sản vùng Trãng bàng. Sau đó xe tiếp tục đưa đoàn hướng về thị xã Tây Ninh, trên đường đi về TW Cục, anh hướng dẫn viên du lịch còn chỉ cho các anh chị em thấy và kể chuyện về núi bà, về Toà Thánh Tây Ninh.
Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam nằm ở Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh) với diện tích 70 ha, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60 km và cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 3 km.
chụp hình lưu niệm tại căn cứ TW Cục miền Nam
Đường vào TW Cục rất đẹp, hai bên là rừng cây xanh trông thật mát mắt. Đoàn đến TW Cục vào khoảng 10 giờ. Thời tiết tốt, mát mẻ, không khí trong lành, mọi người xuống xe tập trung lại chụp vài kiểu hình tập thể rồi vào gian chính để nghe hướng dẫn viên kể về quá trình xây dựng và phát triển khu căn cứ cũng như phong trào cách mạng ở miền Nam qua các thời kỳ. Đặc biệt, những trận chiến được thuyết minh cùng với sa đồ. Sa đồ được thiết kế công phu với nhiều đèn chiếu, thuyết minh đến điểm nào, đèn sáng lên ở điểm ấy rất dễ theo dõi nên ai nấy cũng đều chăm chú lắng nghe. Sau đó hướng dẫn viên (HDV) đưa anh chị em đi tham quan nhà làm việc của bác Nguyễn Chí Thanh, bác Nguyễn Văn Linh, bác Phạm Hùng…. HDV giải thích rằng, trong cảnh chiến tranh khốc liệt, cha ông của chúng đã biết tận dụng ưu điểm của lá rừng: mái của các ngôi nhà này được lợp bằng lá trung quân, một loại lá đốt không cháy…. Trong nhà là những hiện vật đơn sơ, bình dị mà rất nhiều ý nghĩa: Bàn làm việc mộc mạc của đồng chí Nguyễn Văn Linh, những cuốn sổ công tác với nét chữ nắn nót, chiếc bình toong, đài National cũ kỹ, chiếc bật lửa được làm bằng vỏ lựu đạn, chiếc lược được làm từ mảnh xác máy bay Mỹ… Tất cả như tái hiện lại một giai đoạn đấu tranh gian khó, hào hùng của lịch sử cách mạng miền Nam.
Anh hướng dẫn viên còn cho biết: Lịch sử cách mạng miền Nam đã ghi những trang vàng đối với ngành giao bưu. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tây Ninh có ấp An Phú, xã An Trinh (Trảng Bàng) với rất nhiều hộ gia đình, người dân từ già đến trẻ đều đi làm giao bưu vận cho Miền và Tỉnh. Suốt 5 năm (1961- 1966), người dân ấp An Phú đã bí mật đào 7 căn hầm lớn để trung chuyển 5.400 tấn vũ khí và lương thực, đào 200 mét kênh mương để vận tải bằng thuyền, đưa rước trên 2.000 lượt cán bộ… Tỉnh Tây Ninh hiện đã xây dựng “Nhà truyền thống B 10- B 12 – giao bưu, vận tỉnh Tây Ninh” để ghi nhận công lao thầm lặng của những người dân, của những chiến sỹ bưu vận quả cảm, sẵn sàng vì nước quên thân.
Ngày nay đất nước thanh bình, những con đường mòn trong khu trung ương Cục miền Nam đã được trải nhựa, khung cảnh hào hùng ở đây bây giờ cũng rất thơ mộng. Sau khi tham quan tòa nhà chính và những ngôi nhà của của các bậc lão thành cách mạng, chị em tiếp tục đi dạo và chụp hình theo những con đường nhỏ, chạy dài dưới những tán lá xanh…
Trên đường về, thầy Thắng – một vị “khách mời” của đoàn chị em nữ đã nói: “Chuyến đi như thế này giúp anh chị em thoải mái, vui vẻ, giảm stress sau những ngày làm việc căng thẳng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn ngày trước các bác, các chú đã sống và chiến đấu gian khổ như thế nào để giữ gìn tổ quốc, giúp chúng ta hiểu rằng những khó khăn của chúng ta ngày nay trong công việc chưa là gì so với những khó khăn của các bậc tiền bối, như vậy chúng ta phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự hy sinh của cha ông chúng ta, của các thế hệ đồng nghiệp đi trước”. Đây cũng là tâm tư chung của các chị em sau chuyến về nguồn đầy ý nghĩa và ai cũng thấy như mình được tiếp thêm “lửa” để giữ vững và phát huy truyền thống tự hào của ngành Bưu điện.
Ảnh, bài: Võ Thị Phương Lan