Ngày 07/01/2013, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 26/QĐ-CTN về việc phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đơn vị thành viên của Tập đoàn BCVT Việt Nam vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 2002 đến năm 2011, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Với đơn vị tiền thân là Trường Bưu điện – Vô tuyến điện (sau này đổi tên là Trường đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc) thành lập năm 1953, qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện là một đơn vị đào tạo có bề dày truyền thống và có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước.
Năm 1996, Hội nghị lần 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã có chủ trương cho phép thí điểm triển khai mô hình gắn kết giữa Nghiên cứu với Đào tạo và Sản xuất kinh doanh trong 1 số Tổng công ty lớn của Nhà nước. Ngày 11/7/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 516/TTg thành lập Học viện Công nghệ BCVT. Theo đó, Học viện là tổ chức Nghiên cứu và Đào tạo của Nhà nước đầu tiên được thành lập theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, trực thuộc Tổng công ty BCVT Việt Nam (nay là Tập đoàn BCVT Việt Nam). Học viện là mô hình gắn kết giữa Đào tạo (trường Đại học), Nghiên cứu khoa học (Các Viện nghiên cứu đầu ngành) và Sản xuất kinh doanh (mạng lưới của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội).
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu của Học viện được thực hiện bởi các Viện nghiên cứu chuyên ngành với 100% đề tài đều do doanh nghiệp đặt hàng và kết quả nghiên cứu đều phải được áp dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Tập đoàn VNPT và xã hội). Từ năm 1997 đến nay, Học viện đã thực hiện được 2.969 đề tài KHCN các cấp (trong đó có 27 đề tài cấp Nhà nước) góp phần không nhỏ vào sự phát triển vượt bậc của ngành TT&TT của Việt Nam trong thời gian qua. Học viện cũng đã tham gia tích cực trong các chương trình KHCN trọng điểm của quốc gia trong lĩnh vực Điện tử-Viễn thông-Công nghệ thông tin. Học viện hiện là đơn vị chủ lực của Ngành, đến nay đã thực hiện tư vấn quy hoạch và thiết kế cho hơn 300 công trình về các lĩnh vực như viễn thông nông thôn, mạng máy tính, mạng truyền dẫn, mạng ngoại vi, tiếp đất, chống sét, tích cực tham gia công tác ứng cứu thông tin, phòng chống lụt bão.
Học viện đã xây dựng khoảng trên 100 tiêu chuẩn kỹ thuật và trên 50 tiêu chuẩn, định mức về kinh tế Bưu chính Viễn thông, giúp cho Bộ, Ngành và VNPT có tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng mạng và chất lượng dịch vụ. Học viện đã chủ trì xây dựng phương án và thực hiện 500 đợt đo kiểm chất lượng mạng lưới. Phần lớn các thiết bị Viễn thông, Công nghệ thông tin phức tạp, đa dạng của các nhà cung cấp trên thế giới đều được Học viện kiểm tra, đánh giá trước khi đưa vào khai thác chính thức trên mạng lưới Viễn thông Việt Nam. Hiện nay, Học viện là đơn vị chủ lực, nòng cốt của Tập đoàn VNPT có đủ trình độ kỹ thuật, có đủ đội ngũ và kinh nghiệm trong việc thực hiện tối ưu mạng vô tuyến của các mạng di động 2G và 3G.
Bên cạnh đó, Học viện đã phát triển được nhiều sản phẩm phần mềm, đã nghiên cứu chế tạo và chuyển giao công nghệ để sản xuất các hệ thống thiết bị Viễn thông phục vụ trực tiếp trên mạng lưới, qua đó không những góp phần nâng cao tính chủ động của người Việt Nam trong quá trình vận hành, khai thác mạng lưới mà còn góp phần tích cực trong đảm bảo an toàn mạng lưới, an toàn thông tin, an ninh mạng lưới Viễn thông. Học viện đã tích cực tham gia trong nhiều hoạt động với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị khác trong việc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh Quốc gia, góp phần vào ổn định kinh tế, chính trị và an ninh Quốc gia.
Về lĩnh vực đào tạo, đến nay, Học viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo: 4 ngành ở trình độ Tiến sỹ, 5 ngành ở trình độ Thạc sỹ, 8 ngành ở trình độ Đại học và Cao đẳng. Bên cạnh những ngành đào tạo có uy tín như ngành Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin… Học viện đã chủ động mở thêm một số ngành đào tạo như: ngành Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền dữ liệu ở trình độ Sau Đại học; ngành Công nghệ Đa phương tiện, chuyên ngành An toàn Thông tin ở trình độ Đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin cho các ngành, các tổ chức Chính phủ, doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực cho thời đại thông tin số, thời kỳ hội tụ giữa viễn thông, CNTT, Internet và Phát thanh truyền hình của đất nước trong tương lai.
Với 02 cơ sở đào tạo tại TP. Hà nội và TP. Hồ Chí Minh với 13 khoa đào tạo Đại học và sau Đại học có quy mô đào tạo trên 28 nghìn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Hiện Học viện có 45 Tiến sỹ, gần 1000 thạc sỹ, gần 10 nghìn kỹ sư, cử nhân đã tốt nghiệp; hơn 250 nghìn lượt cán bộ đã được bồi dưỡng tại Học viện; trên 2900 đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ các cấp đã được thực hiện; tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành được đào tạo đạt 96,8%… là các kết quả bước đầu của Học viện từ khi thành lập năm 1997 đến nay. Học viện vừa tập trung, chú trọng đào tạo chất lượng cao, vừa tham gia đào tạo trên diện rộng để góp phần nâng cao mặt bằng dân trí với các hình thức đào tạo đa dạng.
Từ năm 2005 Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép triển khai đào tạo từ xa thông qua mạng Tin học Viễn thông.
Trong lĩnh vực Hợp tác quốc tế, Học viện đã và đang hợp tác, liên kết với nhiều trường Đại học, các Viện nghiên cứu tiên tiến trên thế giới từ Hoa kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga, Hàn quốc, Cộng hòa Áo… Bên cạnh đó, Học viện còn có quan hệ hợp tác và liên kết với các nhà công nghệ, các hãng sản xuất thiết bị Viễn thông, các nhà khai thác, công ty phần mềm như Ericsson, Siemens, Nokia, Motorola, Singtel, China Telecom, Orange, AT&T, Spring, DoCoMo… Microsoft, Oracle, Google, Yahoo, SAP… Đối với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar thì Học viện là đơn vị chủ lực trong việc hợp tác, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các cán bộ chủ chốt của ngành Bưu chính Viễn thông các nước bạn, qua đó góp phần nâng cao ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước bạn.
Mô hình đơn vị gắn kết Nghiên cứu, Đào tạo chất lượng cao, hoạt động hoàn toàn tự chủ và phi lợi nhuận của Học viện có nhiều điểm khác biệt so với hai mô hình chủ yếu hiện nay là mô hình Trường Đại học công lập hoạt động còn chưa tự chủ toàn bộ và mô hình Trường Đại học tư thục hoạt động còn vì mục tiêu lợi nhuận. Trên thực tiễn, mô hình vừa có Trường Đại học, vừa có Viện nghiên cứu, hoạt động tự chủ theo định hướng đáp ứng các nhu cầu xã hội của Học viện đã tiệm cận với mô hình của các trường Đại học nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên Thế giới hiện nay. Việc chuyển nhanh sang tự chủ chính là điểm đột phá cơ bản mang tính chất quyết định để Học viện thực hiện chiến lược “đào tạo và nghiên cứu phải thật sự đáp ứng theo nhu cầu xã hội”, qua đó nhanh chóng khẳng định và nâng cao vị thế, thương hiệu, chất lượng giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học trước xã hội. Nguồn thu từ hoạt động Khoa học công nghệ của Học viện hiện đã đạt gần 30% tổng nguồn thu (vượt chỉ tiêu đề ra của Chính phủ tại Nghị quyết 14/2005/NQ-CP cho các Trường Đại học Việt Nam vào năm 2020 là 25%; đạt mức trung bình của các trường Đại học nghiên cứu trên thế giới là 30-35%).
Với phần thưởng cao quý, danh hiệu Anh hùng Lao động mà Đảng, Nhà nước phong tặng, đây là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ CBCNV Học viện, thể hiện sự tiếp nối xứng đáng truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển của đơn vị đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu của ngành thông tin và truyền thông.