Với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong trường đại học góp phần tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao cho xã hội và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 10 của Đảng là “gắn kết có hiệu quả Trường đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh..”, trong những năm qua Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Học viện Cơ sở) đã được Ban Giám đốc quan tâm chỉ đạo
TS. Lê Quốc Cường – PGĐ Học viện phụ trách cơ sở TP.HCM phát biểu trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ
Ảnh: VP – HVCS TPHCM
đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong toàn Học viện cơ sở cũng như ở từng Khoa, Phòng. Hàng năm, Học viện cơ sở đều có xây dựng kế hoạch hoạt động KHCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Khoa, Phòng mà thường trực là Tổ quản lý nghiên cứu khoa học giúp việc cho Hội đồng khoa học nhà trường dưới sự chỉ đạo trực tiếp cua đồng chí Phó Giám đốc Học viện, phụ trách Học viện cơ sở. Hoạt động KHCN của Học viện cơ sở đã bám sát định hướng của Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới giáo án giảng dạy, cải tiến phương pháp truyền đạt làm cho sinh viên chuyển từ việc học tập thụ động sang phương pháp tự nghiên cứu. Chính vì vậy, từ năm 2000 đến 2007 đã có 41/65 đề tài của các thầy cô giáo trong Học viện liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy và quản lý cơ sở được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông công nhận đề tài cấp Học viện, đồng thời có 41 lượt đề tài của các giảng viên được đăng tải trên báo chí, các Hội thảo trong và ngoài nước nhằm chia sẻ, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm trong giới khoa học, tiêu biểu như các đề tài: Thiết kế, lắp ráp thiết bị giảng dạy thí nghiệm,. thực hành môn cơ sở kỹ thuật truyền hình, Nghiên cứu chế tạo thiết bị giảng dạy thực hành vi điều khiển, Thực hiện mô hình trải rộng máy phát hình phục vụ giảng dạy môn kỹ thuật truyền hình, Tận dụng các mạch E&M của các kênh thoại DMS (AWA) để truyền tín hiệu giám sát và cảnh báo về trung tâm quản lý, Thiết kế và thi công máy đếm tần số vi ba 3,5 GHz, Xây dựng mô hình thực hành mạng VoIP… Một điểm đáng ghi nhận khác là hoạt động KHCN tại Học viện không chỉ dừng lại trong việc khơi dậy và huy động đông đảo đội ngũ thầy cô giáo tham gia hoạt động KHCN mà phong trào còn được lan tỏa tới đông đảo sinh viên tham gia. Qua 8 năm hoạt động (2000-2007), phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên từng bước phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, giúp cho sinh viên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ học tập và hoàn thiện tốt các chuyên đề tốt nghiệp của mình. Với 91/146 đề tài khoa học của 326 lượt sinh viên tham gia hoạt động NCKH cho thấy Học viện đã đi đúng tiêu chí là không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy trong môi trường đại học, góp phần nâng cao chất học tập của sinh viên. Đặc biệt Học viện cơ sở đã đạt 4 giải thưởng tại các các kỳ thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.
SV đang thực hành tại phòng máy vi tính
Ảnh : Thành Nguyễn
Việc Học viện cơ sở xác định gắn kết kết quả đào tạo giữa trường đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và đơn vị sản xuất kinh doanh trong thời gian qua không chỉ biến nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống mà còn làm tốt vai trò của một cơ sở được ngành giao cho là đầu mối nghiên cứu ứng dụng khoa học cơ bản, chiến lược phát triển BCVT, ứng dụng CNTT và điện tử Viễn thông ở phía Nam nên ngoài việc chú trọng nhiệm vụ NCKH nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tại cơ sở, Học viện còn có nhiều đề tài ứng dụng vào sản xuất kinh doanh của các đơn vị như: Nghiên cứu ảnh hưởng của kinh tế xã hội của quá trình mở cửa viễn thông ở Việt nam, Giải pháp hoàn thiện vấn đề kết nối nhằm nâng cao tính cạnh tranh của thị trường viễn thông Việt Nam, Ứng dụng công cụ điều tiết giá cả trong quản lý Nhà nước đối với ngành viễn thông, giúp cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các đơn vị SXKD viễn thông nắm bắt tình hình đưa ra chiến lược quản lý và kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra còn có các đề tài: Đánh giá kết quả cổ phần hóa tại công ty chuyển phát nhanh thuộc Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, Xây dựng hệ thống LCMS (Learning Content Management Sytem) phục vụ đào tạo từ xa tại Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông 2, Các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Bưu điện TP.HCM, đã giúp cho các nhà quản lý tại cơ sở có cái nhìn tổng quan tình hình để hoạch định chiến lược quản lý hoặc kinh doanh phù hợp.
Song song đó, công tác NCKH của Học viện đã hướng tới việc hợp đồng liên kết và chuyển giao công nghệ cho Viện nghiên cứu Điện tử- Viễn thông (ETRT) Hàn Quốc với 4 hợp đồng trị giá 77.300 USD về dự án phát triển sản phẩm chuyển giao công nghệ chọn gói.
Có được bức tranh nhiều màu sắc trong hoạt động NCKH như trên, trước hết phải nói tới công tác quản lý của Học viện cơ sở có nề nếp. Ngay vào đầu năm học, Học viện cơ sở đã lập kế hoạch và chủ động triển khai cụ thể nội dung hoạt động NCKH đến các Khoa, phòng và các thầy cô giáo, kết hợp tốt khâu phát động với đăng ký, quản lý, xét duyệt, cấp kinh phí một cách đồng bộ, tạo ra phong trào sâu rộng. Chính nề nếp quản lý này mà đã có hàng chục đề tài khoa học được đưa vào giảng dạy tại trường, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và chuyển giao cho các Viện nghiên cứu khoa học cũng như áp dụng vào thực tiễn SXKD. Thông qua các đề tài, Học viện đã ứng dụng xây dựng đề cương chi tiết chương trình đào tạo cho các chuyên ngành tại cơ sở Học viện, nghiên cứu, chế tạo, thiết kế các phần cứng, chương trình phần mềm phục vụ cho việc thí nghiệm, thực hành và giảng dạy cho sinh viên đồng thời xây dựng thêm các chuyên ngành đào tạo mới, xây dựng hệ thống giáo trình đạt chuẩn và thường xuyên cập nhật mới nhằm nâng cao năng lực NCKH cho từng giảng viên, tạo nguồn cán bộ cho chính cơ sở và cho xã hội.
Tuy nhiên, nhìn lại 8 năm hoạt động KHCN thời gian qua cho thấy vẫn còn những tồn tại cần khắc phục nhằm làm cho hoạt động KHCN khởi sắc hơn nữa, nhất là các chính sách vĩ mô và các giải pháp khác làm thế nào để gắn việc NCKH với SXKD trong ngành. Thứ nhất, vì kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ là một sản phẩm đặc biệt, hàm chứa trí tuệ và chất xám cao, sản phẩm ấy ra đời trước hết xuất phát từ một ý tưởng nào đó của nhà khoa học, ý tưởng được thai nghén qua thời gian, ngoài tư duy còn cần tới cảm hứng sáng tạo từ chính các nhà khoa học, cho nên Nhà nước cần có một chính sách rõ ràng hơn hỗ trợ cho các nhà khoa học. Chẳng hạn nhà khoa học có một đề tài muốn tham dự Hội nghị khoa học trong nước hay quốc tế tất yếu phải cần được hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở. Vé vào cửa dự các hội nghị tầm quốc tế thường khá cao, hay muốn đăng đề tài nghiên cứu khoa học của minh lên các phương tiện truyền thông quốc tế cũng phải trả phí rất cao so với thu nhập của nhà khoa học còn thấp. Vì vậy cơ hội để trao đổi giao lưu các đề tài khoa với bạn bè thế giới là ít nếu không có kinh phí và không được Nhà nước hỗ trợ. Thứ hai, việc cấp kinh phí cho các đề tài khoa học của các nhà khoa học thường rất chậm, thông thường vào tháng 6, tháng 7 của năm kế hoạch mới được duyệt và chuyển kinh phí tới các đề tài. Tháng 10 hay tháng 11 bắt đầu hối thúc phải làm nhanh để quyết toán xong trong năm. Như vậy sẽ làm cho các nhà khoa học chịu một áp lực lớn với thời gian mà áp lực này đôi khi làm mất đi cảm hứng sáng tạo của chính các nhà khoa học. Thứ ba, trong tổng số 41 đề tài khoa học được công nhận mà mới chỉ có một vài đề tài gắn được với SXKD quả là con số bé nhỏ so với yêu cầu: NCKH – chuyển giao tới các đơn vị sản xuất. Để làm được điều này, ngoài sự tự thân vận động của các cơ sở đào tạo, bản thân các nhà khoa học, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phải đưa ra một hệ thống văn bản mang tính pháp quy, chỉ đạo cho các đơn vị trong Tập đoàn phối hợp tốt với Học viện trong việc ứng dụng các đề tải khoa học đạt chất lượng cao đã được các ngành chức năng công nhận, làm thế nào để nghiên cứu của các nhà khoa học gắn kết mang lại hiệu quả cao cho SXKD.
Khi chúng tôi viết xong bài viết này cũng là dịp những cánh hoa mai, hoa đào đang nở rộ đón chào năm mới: năm Kỷ Sửu 2009. Hy vọng trong thời gian tới hoạt động KHCN của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại thành phố Hồ Chi Minh đơm hoa kết trái, tựa như những cánh hoa đào hoa mai rực rỡ trong nắng xuân, gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa.
Thành Nguyễn
Tạp chí CNTT & Truyền thông