Sáng nay, 23/5, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội, đã diễn ra chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ XI, Đây là chương trình vinh danh cấp quốc gia giới thiệu, tôn vinh các tập thể cá nhân Anh hùng, điển hình tiên tiến. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự lễ vinh danh và trao danh hiệu, phần thưởng cho đại diện Học viện, PGS.TS Hoàng Minh, Giám đốc Học viện.
Với mô hình gắn kết hữu cơ giữa đào tạo, nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu thực tế của sản xuất kinh doanh, trong những năm qua, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được biết đến là tổ chức luôn đi đầu trong mô hình hoạt động là một trường đại học công lập chất lượng cao, hoạt động tự chủ, phi lợi nhuận và liên tục đổi mới nâng cao chất lượng nghiên cứu ứng dụng khoa học và đào tạo phát triển nguồn nhân lực ICT cho đất nước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vinh dự là đơn vị đào tạo phát triển nguồn nhân lực tiêu biểu đại diện cho ngành Thông tin và truyền thông trở thành 1 trong 11 tập thể được tôn vinh tại Vinh quang Việt Nam 2014.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện) được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 516/TTg ngày 11/7/1997, là tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà nước được thí điểm đặt trực thuộc doanh nghiệp mạnh của Nhà nước là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT – Tập đoàn). Trải qua gần 17 năm xây dựng và phát triển, kế thừa truyền thống trên 60 năm vẻ vang của các đơn vị Nghiên cứu, Đào tạo trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin tiền thân, cũng như phát huy các đặc điểm riêng có, Học viện đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo, thực hiện tốt mục tiêu gắn kết giữa đào tạo – nghiên cứu khoa học – sản xuất kinh doanh.
Vượt qua các khó khăn của mô hình thí điểm với hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đến nay Học viện đã trở thành đơn vị Nghiên cứu và Đào tạo công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn bộ. Từ năm 2011, Học viện đã tự cân đối được toàn bộ mọi chi phí (bao gồm cả khấu hao và sửa chữa tài sản). Mọi hoạt động của Học viện hiện đều là đặt hàng, ký hợp đồng với doanh nghiệp và với xã hội theo định hướng “đào tạo và nghiên cứu phải thật sự đáp ứng theo nhu cầu xã hội”. Trong gần 17 năm qua, Học viện đã cung cấp cho xã hội và cho Ngành viễn thông và công nghệ thông tin Việt nam hàng chục ngàn kỹ sư, cử nhân về điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh; gần 2.000 thạc sỹ và trên 70 tiến sỹ đã hoàn thành luận án từ các cơ sở đào tạo của Học viện, nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ khoa học đầu ngành; các nhà quản lý, các kỹ sư giỏi, nhiều doanh nhân thành đạt, nhiều cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp, các Bưu điện, Viễn thông tỉnh thành trong cả nước, trong các Bộ, Ban, Ngành… Học viện là đơn vị đi đầu, tiên phong mở các Ngành đào tạo mới lần đầu tiên đào tạo tại Việt nam nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cao cho hiện tại và trong tương lai, (ví dụ như ngành Công nghệ đa phương tiện – Multimedia, ngành An toàn thông tin). Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu của Học viện đều do doanh nghiệp và xã hội đặt hàng và 100% kết quả nghiên cứu đều được áp dụng trực tiếp vào hoạt động SXKD trong thực tế nên vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn rất cao, nguồn thu từ hoạt động KHCN của Học viện hiện đạt gần 30% tổng nguồn thu (vượt chỉ tiêu NQ 14/2005/NQ-CP của Chính phủ cho các trường Đại học Việt nam vào năm 2020 là 25%; đạt tương đương các trường Đại học trên thế giới hiện nay là 30-35%). Mới đây, Học viện đã được lựa chọn là đơn vị tham gia thực hiện “Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an ninh và an toàn thông tin quốc gia đến năm 2020”.
Học viện đã thực hiện thành công mô hình gắn kết hữu cơ giữa Đào tạo (trường Đại học) với NCKH (Các Viện nghiên cứu) và Sản xuất kinh doanh (nhu cầu của doanh nghiệp và của xã hội). Các Viện nghiên cứu thuộc Học viện đồng thời thực hiện đầy đủ chức năng của một Khoa (hoặc bộ môn) đào tạo đại học. Giảng viên và sinh viên các Khoa được tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cùng với các Viện. Các kết quả nghiên cứu của các Viện vừa được áp dụng vào thực tiễn, vừa được kịp thời chuyển tải vào chương trình đào tạo, vào bài giảng, vào các luận văn tốt nghiệp. Học viện đã giải quyết được vấn đề tồn tại lớn mà nhiều Trường đại học của Việt nam đang gặp phải, đó là liên kết được các yếu tố: Cơ sở đào tạo-Viện nghiên cứu-Doanh nghiệp và xã hội-Cơ sở đào tạo/nghiên cứu khác, tiệm cận với mô hình của các trường Đại học nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên Thế giới hiện nay.
Các đơn vị tiền thân và Học viện hiện nay luôn giữ vị thế là trung tâm KHCN chủ lực, là chiếc nôi cung cấp phần lớn nguồn nhân lực và cung cấp cán bộ quản lý các cấp cho Ngành Thông tin và truyền thông Việt nam. Trong suốt thời gian qua, Học viện đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển vượt bậc của ngành Thông tin Truyền thông Việt Nam, đã tham gia rất có hiệu quả trong nhiều nhiệm vụ quan trọng với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng góp phần đảm bảo an ninh Quốc gia. Học viện cũng là đơn vị nòng cốt, chủ lực trong đào tạo cán bộ chủ chốt của Ngành Thông tin Truyền thông các nước bạn Lào, Campuchia, góp phần nâng cao ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam đối với bạn. Tháng 1 năm 2013, Học viện vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Chính phủ và xã hội với với những đóng góp, cống hiến của các thế hệ các bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên Học viện với sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc nói chung, và với sự trưởng thành, lớn mạnh trong thời gian qua của Học viện nói riêng.
Nguồn: http://ptit.edu.vn/