Ngày 23/6/2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số trong Giáo dục đại học”. Tham dự Hội thảo, về phía Học viện: có GS.TS Từ Minh Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện, PGS. TS Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện, đại diện các Viện nghiên cứu, các phòng, ban chức năng và cán bộ Học viện.
Về phía Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có ông Phạm Ngọc Lan, Trưởng Ban Công tác Hội viên, ông Bùi Văn Phong, Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ, Viện Nghiên cứu và phát triển Tri thức số và đại diện lãnh đạo của hơn 20 trường đại học trên cả nước.
Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đông Học viện khẳng định: “Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và đây được xem là giải pháp để nước Việt Nam phát triển hùng cường. Các trường đại học hiện nay đều thống nhất cao chuyển đổi số đại học là rất quan trọng, tuy nhiên, khi bắt tay vào thực tiễn thì gặp rất nhiều khó khăn, vì chuyển đổi số là lĩnh vực mới và chuyển đổi số không có cách làm chung để áp dụng”. Chủ tịch Hội đồng Học viện nhấn mạnh: “Trong chiến lược phát triển Học viện có hẳn mục tiêu chiến lược về chuyển đổi số và xem chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện, đến nay sau 3 năm Học viện đã có được những kết quả đầu tiên”. GS.TS Từ Minh Phương cũng hy vọng chương trình tọa đàm là cơ hội để các trường cùng trao đổi, chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chuyển đổi số để quá trình chuyển đổi số giáo dục đại học được triển khai có hiệu quả, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng Ban Công tác Hội viên, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói “Chúng tôi được biết, Học viện là đơn vị đã thực hiện rất tốt chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, và chúng tôi thấy một số trường có thể nghiên cứu, vận dung mô hình của Học viện. Khó nhất của chuyển đổi số là không có một mô hình chung áp dụng thống nhất cho tất cả các trường vì không có trường nào giống trường nào vì mỗi trường có năng lực khác nhau về công nghệ, về nhân lực, về kinh tế, về quy mô vì vậy chúng ta nhờ tư vấn và có thể chuyển giao một phần công nghệ”, ông Phạm Ngọc Lan cũng bày tỏ mong muốn tập thể Lãnh đạo Học viện sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng tư vấn cho các đơn vị đào tạo trong cả nước.
Tại Hội thảo, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã chia sẻ những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số giáo dục đại học. Theo đó, Học viện đã hoàn thiện được 11 nền tảng cho giáo dục Đại học số trên ứng dụng PTIT S.LINK. Các nền tảng nổi bật như hệ thống thực hành Dlab có bài (với 10 học phần) đã tới 5,6 triệu lượt truy cập. Giải pháp tuyển sinh số của Học viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia năm 2022 áp dụng cho 290 trường đại học từ Đà Nẵng trở vào phía Nam. Học viện cũng đã xây dựng học liệu số các môn học Chính trị với các chuyên gia hàng đầu và sẽ áp dụng triệt để vào năm 2023. Các đại biểu tham dự Hội thảo còn được Học viện chia sẻ thông tin về các sản phẩm khóa học số và hệ thống MOOC, các ứng dụng công nghệ số trong lớp học số PTIT, ứng dụng học liệu số mới, phòng điều hành PTIT số…
Trong phần thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong giáo dục đại học, trong đó tập trung thảo luận một số khó khăn mà các trường gặp phải trong quá trình triển khai chuyển đổi số như: nguồn nhân lực, sự hỗ trợ của chuyên gia, tư vấn, sự lúng túng trong lựa chọn công nghệ, phương pháp, nguồn tài chính và các cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, hạ tầng. Đại diện các trường cũng mong muốn nhận được sự phối hợp giữa các trường, sự tư vấn, hỗ trợ từ phía Học viện và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để quá trình chuyển đổi số tại các trường sớm đạt được mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số giáo dục đại học.