– Ngày 7/9/2018, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2018 – 2019. Học viện đã vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đến dự, điểm trống khai giảng và phát biểu với tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên Học viện. Học viện xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng.
– Kính thưa các thầy cô, các vị đại biểu!
– Thưa các em sinh viên thân mến!
– Rất lâu rồi, tôi mới được trải nghiệm không khí ngày khai giảng. Nhớ lại ngày đầu nhập học, nhớ lại những bỡ ngỡ ban đầu khi làm các thủ tục nhập học. Nhớ lại cảm xúc sau mấy tháng nghỉ hè, quay lại trường gặp lại thầy cô, bạn bè. Những cảm xúc đó sẽ theo ta suốt cả cuộc đời sau này.
– Học đại học là học ở một cấp độ khác. Tự học nhiều hơn. Thực hành nhiều hơn. Học cách học nhiều hơn. Sống một mình nhiều hơn. Tự lập nhiều hơn. Xa bố mẹ, người thân nhiều hơn. Nhiều bạn mới hơn. Tất cả những sự khác biệt đó sẽ tạo lên một con người độc lập hơn. Những va chạm, những khó khăn, thử thách, những trăn trở sẽ nhiều hơn, nhưng tất cả những cái đó chỉ là sự rèn luyện, là cần thiết để ta lớn lên.
– Thưa các thầy cô giáo và các em sinh viên,
– Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là ngôi trường duy nhất tại Việt Nam đào tạo chính quy, tập trung về lĩnh vực công nghệ ICT, bưu chính, viễn thông. Đây là những ngành công nghiệp đang được kỳ vọng là cánh cửa để tạo ra sự phát triển đột phá cho đất nước trước cách mạng 4.0. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá lên so với mặt bằng thế giới trước đó. Việt Nam chúng ra hoàn toàn có trong tay cơ hội này. Bởi cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng của việc sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của mình. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, chúng ta có nhiều bài toán cần tìm lời giải.
– Và bởi vậy, người Việt Nam nói chung và các em sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nói riêng, đang thực sự có một cơ hội trực tiếp góp sức đưa đất nước này bứt phá. Do đó, hôm nay tôi muốn nói chuyện với các em với tư cách là những người trong tương lai không xa – thậm chí có thể là ngay hôm nay, sẽ trực tiếp tham gia, dẫn dắt một Ngành được lịch sử giao nhiệm vụ góp phần quyết định tương lai của đất nước này. Đất nước chúng ta có thể vươn lên hay tụt lại phía sau, điều này phụ thuộc rất lớn ở các em.
– Trước tiên là về việc học. Để trở thành một sinh viên xuất sắc không có nghĩa là phải luôn có điểm cao trong mọi môn học, mọi đồ án. Hơn thế, các em phải luôn kiên quyết và bền chí, phải làm việc chăm chỉ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, chấp nhận những thất bại cụ thể để tạo dựng những năng lực lâu dài. Hãy thử sức ở mọi môn học. Hãy luôn tò mò, luôn mạnh dạn khám phá những niềm say mê mới, xây dựng những kỹ năng mới, tự trang bị kiến thức và kỹ năng nhằm đạt được nghề nghiệp mà các em muốn. Các em sẽ rất ngạc nhiên vì mình có thể khám phá ra nhiều khả năng của mình. Các em càng làm nhiều thì các em sẽ sớm nhận ra điều gì làm cho bản thân trở nên hoạt bát, điều gì có khả năng khuấy động đánh thức bản thân, điều gì khiến các em hứng thú. Các em chỉ có thể biết mình thực sự hứng thú với điều gì, giỏi nhất ở lĩnh vực nào, sau khi các em thực sự bắt tay vào làm việc đó.
– Hãy bắt đầu hành trình bằng sự thay đổi tâm thế và cách thức thực hiện hành trình ấy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các em có trách nhiệm với việc học tức là các em có trách nhiệm với tương lai của mình.
– Thứ hai, các em cần phải đặt mình vào tâm thế tham gia giải quyết những vấn đề của đất nước ngay tại đây, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngay tại năm học này. Facebook: mạng xã hội khổng lồ nhất địa cầu này được hình thành từ việc giải quyết một vấn đề kết nối với nhau của một sinh viên đại học Havard. Có rất nhiều ví dụ như vậy. Có rất nhiều vấn đề lớn bắt nguồn từ những điều rất nhỏ. Hãy dùng công nghệ để giải quyết những vấn đề của chính mình một cách xuất sắc, khi ấy các em có thể nhân rộng ra giải quyết các vấn đề cho những người thân của mình, những người bạn mình, trường mình, thành phố mình sinh sống và rộng ra là đất nước này. Và khi giỏi ở trong nước, cũng không khó gì để mang nó ra toàn cầu. Học là để giúp các em mở rộng tầm nhìn và khả năng của mình. Đây là thời gian thích hợp để các em thực hiện những ý tưởng của mình, và điều này cũng làm cho việc đến trường có nhiều niềm vui hơn. Cách các em giải quyết vấn đề của mình, vượt qua những thách thức trước mắt sẽ quyết định liệu chúng ta có chinh phục được những thử thách lớn nhất sau này hay không. Chúng ta cần mỗi người các em thể hiện tài năng, kỹ năng và sự thông minh để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất. Nếu các em không làm vậy, các em sẽ không chỉ bỏ mặc chính mình, mà sẽ bỏ mặc cả đất nước của mình nữa. Đất nước cần những ý tưởng và sự say mê của tuổi trẻ Việt Nam. Chúng ta sẽ là những người không chờ đợi. Chúng ta tạo ra dấu ấn ngay từ bây giờ. Chúng ta quyết định chính tương lai của mình. Chúng ta quyết định chính vận mệnh của mình. Đất nước cần tiềm năng cùa các em ngay bây giờ.
– Thứ ba là việc đối mặt với thất bại. Người mạnh mẽ nhất không phải là người luôn thành công mà là người thành công khi đã từng thất bại. Trên cuộc đời mình, rất ít khi người ta có thể thành công ngay từ những lần đầu tiên. Đó là điều hết sức bình thường. 10.000 lần thất bại của Thomas Edison đã giúp ông tạo ra ánh sáng cho nhân loại. Những người như Edison thành công vì họ hiểu rằng không thể để thất bại đánh bại mình. Chúng ta cũng phải như vậy, phải học hỏi từ những thất bại. Các em phải biết cách làm khác đi mỗi lần thất bại…và cũng đừng ngại hỏi. Người hay đặt ra câu hỏi không phải là một người yếu kém, trái lại, đó là một người cực kỳ tự tin và đang muốn mọi người giúp mình đạt được mục tiêu. Một câu hỏi đúng đã giúp các em giải đáp được 70% vấn đề. Càng hỏi nhiều, các em càng phát hiện nhiều vấn đề. Những câu hỏi này lại dẫn đến những câu hỏi khác. Và dù chúng ta có thể không bao giờ biết hết những câu trả lời nhưng quá trình thảo luận và quá trình khám phá sẽ là tài sản tri thức của các em. Người dốt nhất có thể là người giỏi nhất nếu luôn biết tìm cách đặt các câu hỏi. Không ai sinh ra đã giỏi mọi thứ. Trước đây: người thay đổi thế giới là người nói, là người đi khai sáng người khác. Bây giờ: người khai sáng người khác, người thay đổi thế giới lại có thể là người hỏi một câu hỏi. Vì vậy, kể cả khi các em chưa thành công, khi không được khuyến khích, và cảm thấy mọi người đang bỏ rơi mình, đừng bỏ cuộc. Vì nếu bỏ lại chính mình, các em cũng sẽ bỏ lại cả đất nước mình. Lịch sử không kể về những người bỏ cuộc khi cuộc sống trở nên khó khăn. Nó chỉ kể về những con người tiến lên phía trước, cố gắng nhiều hơn, yêu đất nước của mình thật nhiều để cố gắng hết mình.
– Tương lai của các em nằm trong tay các em. Cuộc sống của các em là cái mà các em tạo ra. Va chẳng có gì – hoàn toàn chẳng có gì – vượt ra ngoài tầm vươn tới của các em. Miễn là các em sẵn sàng dám mơ ước những điều lớn lao. Miễn là các em sẵn sàng làm việc chăm chỉ.
– Kính thưa các thầy cô quí mến,
– Tôi cũng muốn dành đôi điều để trao đổi với các thầy cô – những người đồng hành của các bạn sinh viên.
– Hãy trang bị cho các em những kiến thức cần thiết, kỹ năng cần thiết, thái độ cần thiết để đào tạo sinh viên cho nền kinh tế thế kỷ 21, một nền kinh tế số. Không chỉ là chuyên môn mà còn là khả năng vượt qua mọi nghịch cảnh, khả năng luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, khả năng thích ứng nhanh với mọi thay đổi của cuộc sống. Và là một trường về công nghệ. Hãy dạy cho các em biết cách giải quyết các vấn đề của mình bằng công nghệ.
– Hãy đưa ra các bài toán từ những vấn đề của thực tiễn và để các em thỏa sức sáng tạo và thể hiện. Quá trình học tốt nhất là quá trình tham gia giải quyết một vấn đề. Trước đây: Học trước rồi làm sau. Bây giờ: hãy để cho các em được làm trước, trải nghiệm trước rồi học sau. Trước đây: Học cách giải quyết vấn đề là chính. Bây giờ: Học cách tìm ra vấn đề là quan trọng nhất. Có vấn đề mới cần đến giải quyết vấn đề, chính là việc cần phải làm. Có việc rồi thì mới có các cái khác.
– Các thầy cô cũng phải huấn luyện nhiều hơn, giao việc thực hành nhiều hơn cho sinh viên. Tạo môi trường trao đổi, tranh luận nhiều hơn cho sinh viên. Huấn luyện tức là để cho sinh viên tự học, tự làm nhiều hơn, nhưng có mục tiêu, có đích đến cần đạt được. Nếu chúng ta huấn luyện nhiều hơn thì sinh viên sẽ giỏi lên nhiều hơn. Để huấn luyện nhiều hơn thì các thầy cô cũng phải thực hành nhiều hơn.
– Đầu ra của nhà trường chủ yếu là doanh nghiệp. Vậy, nhà trường phải gắn kết nhiều hơn với doanh nghiệp, phải hiểu doanh nghiệp nhiều hơn. Hãy tìm đến doanh nghiệp xem họ đánh giá sinh viên tốt nghiệp của mình thế nào. Hãy hỏi họ xem tuyển người kỹ năng gì, kiến thức gì.
– Sinh viên luôn cần những cảm hứng mới, thúc đẩy các giấc mơ của họ. Cảm hứng và giấc mơ là nguồn năng lượng vô hạn của sinh viên. Học viện cần mời những người nổi tiếng, các nhà chính trị, lãnh đạo các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nghệ thuật về nói chuyện, giao lưu với sinh viên, với thấy cô. Ít nhất mỗi tháng 1 lần.
– Một trường đại học theo hướng nghiên cứu thì nguồn thu từ nghiên cứu cũng phải 30-40%. Đó la các nghiên cứu cho Chính phủ, cho doanh nghiệp. Đất nước ta muốn sánh vai cường quốc năm châu thì phải dựa vào công nghệ, vào nghiên cuus công nghệ. Chúng ta có lợi thế to lớn là sinh viên, những người tuổi trẻ đầy khát khao lao động và cống hiến. Hãy coi tài sản lớn nhất của nhà trường là sinh viên.
– Học viện công nghệ BCVT phải nhiều hơn các phòng Lab, nhiều hơn các phòng thiết bị thực hành, nhiều hơn cả các giảng đường. Hãy tìm hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Chính họ cũng muốn đưa thiết bị vào trường để sinh viên quen với thiết bị của họ. Thí dụ, Viettel, VNPT đã sản xuất được hầu hết cac thiết bị mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối, các thiết bị Made in Vietnam, sẽ được sử dụng trong mạng viễn thông Việt Nam. Viettel có thể tặng cho trường một mạng viễn thông 4G hoàn chỉnh, bao gồm đủ các thành phần, để sinh viên có thể lắp đặt, khai báo tham số để mạng hoạt động, khai báo thuê bao để các máy gọi được nhau, khai báo để tính cước thuê bao. Cũng có thể dùng mạng này để cac thày cô và sinh viên nghiên cứu phát triển các ứng dụng mới. Sinh viên Việt Nam thực hành, nghiên cứu trên thiết bị Việt Nam, công nghệ Việt Nam, để khi ra trường sẽ xây lên một mạng viễn thông Việt Nam bằng thiết bị Việt Nam. Đó là niềm tự hào Việt Nam.
– Một cuộc cách mạng mới đang đến. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sẽ là cơ hội cho tất cả những ai đi đầu trong phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0. Không như các lần trước đây, công nghệ 4.0 sẽ thay đổi các chúng ta làm việc, kinh doanh, dạy học. Thách thức lớn nhất là sự thay đổi, là sự sớm chấp nhận các mô hình mới về kinh doanh, quản trị và dạy học. Một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Nhà trường không chỉ đưa công nghệ 4.0 vào giáo trình giảng dạy mà quan trọng hơn là thay đổi cách dạy học – dạy học thời 4.0.
– Những người đã ra trường, đã học ở đây, sẽ không bao giờ quên mái trường thân yêu, không bao giờ quên thày cô, bạn bè, không bao giờ ngừng biết ơn nơi đã đào tạo mình. Cả cuộc đời đi làm luôn mong có thể đóng góp cho trường. Đây chính là nguồn lực vô hạn để xây dựng trường. Cũng chỉ các trường học là có được lợi thế này. Học viên hãy thành lập quĩ từ đóng góp của các cựu sinh viên, nhất là những người thành đạt, đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp cho trường xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày càng cao.
– Hôm nay, nhân dịp khai giảng năm học mới, cũng là dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Tôi mong muốn các thầy cô giáo và các em sinh viên sẽ suy nghĩ về thời gian các em học tập trong trường, về cách mà chúng là sẽ chuẩn bị cho các em gánh vác công việc xây dựng đât nước, làm hưng thịnh đất nước. Tất cả những điều này sẽ rât cần cho các em để làm được những điều vĩ đại khi rời khỏi nhà trường. Chúc các em sinh viên, các thầy cô giáo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông một năm học mới thành công.
– Xin trân trọng cảm ơn!