Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là tổ chức Nghiên cứu – Đào tạo trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội và có 02 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 13 khoa đào tạo Đại học và Sau Đại học với quy mô trên 18.000 học viên, sinh viên với 5 ngành ở trình độ Tiến sỹ, 5 ngành ở trình độ Thạc sỹ, 15 ngành ở trình độ Đại học. Học viện có 01 Trung tâm đào tạo Quốc tế thực hiện đào tạo chất lượng cao và liên kết đào tạo với các trường nước ngoài; 2 Trung tâm đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh thực hiện đào tạo nâng cao trình độ, bổ túc kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ cho các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước; có 03 Viện nghiên cứu khoa học là Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện Công nghệ thông tin & Truyền thông và Viện Kinh tế Bưu điện.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày hôm nay là tổng hòa những nỗ lực, cống hiến, tâm huyết và hy sinh của lớp lớp thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên trường Bưu điện – Vô tuyến điện các thời kỳ. 70 năm trưởng thành từ đơn vị tiền thân Trường Bưu điện – Vô tuyến điện, 70 năm thầy và trò các thế hệ kế thừa ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết và sáng tạo, 70 năm thầy và trò trường Bưu điện đã và đang cùng nhau nỗ lực vì một Việt Nam hùng cường. Cùng quay ngược lại vòng quay lịch sử để tự hào vì những gì mà các thế hệ thầy và trò trường Bưu điện đã tạo dựng và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Học viện hôm nay và ngày mai.
Giai đoạn 1953-1965: Trường Bưu điện-Vô tuyến điện ra đời và trưởng thành cùng lịch sử đất nước.
Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Lúc này, để đáp ứng yêu cầu cấp bách về đội ngũ cán bộ có kỹ thuật nghiệp vụ Bưu điện tác nghiệp cho chiến trường và phát triển mạng lưới thông tin. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông công chính và Bộ Giáo dục đã ra nghị định về việc Quyết định thành lập Trường Bưu điện-Vô tuyến điện.
Sau khi hòa bình lập lại, cùng với nhân dân miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước, Nhà trường đã từng bước đưa công tác giảng dạy học tập vào nề nếp. Ngoài những khóa đào tạo sơ cấp, trung cấp, Nhà trường tạo mọi điều kiện để mở các lớp đại học đầu tiên về thông tin liên lạc. Trong giai đoạn này nhà trường đã đào tạo trên 3000 kỹ thuật viên, cán bộ kỹ thuật và kỹ sư phục vụ cho chiến trường và cho Ngành.
Giai đoạn 1966- 1996: Xây dựng các cơ sở đào tạo Đại học và các Viện đầu ngành.
Thực hiện tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III về Giáo dục Đào tạo và cách mạng Khoa học Kỹ thuật là then chốt, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Viện nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bưu điện – Truyền thanh năm 1966, đồng thời nâng cấp trường Bưu điện – Vô tuyến điện thành trường Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc vào năm 1969.
Sau đại thắng mùa xuân 1975, Tổng cục Bưu điện đã thành lập Viện Kinh tế Bưu điện và trên cơ sở tiếp quản Trường Bưu điện Quốc gia (chế độ cũ), Tổng cục Bưu điện thành lập Trường Bưu điện Sài Gòn, hình thành hệ thống đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành thống nhất trong cả nước. Từ đó, Trường đã thực sự là cái nôi, vườn ươm nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật thông tin liên lạc cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Giai đoạn từ 1997 đến 2014: Thực hiện gắn kết Nghiên cứu – Đào tạo – Sản xuất Kinh doanh.
Vào những năm 90 của thế kỷ 20, đất nước ta chuyển mình mạnh mẽ để bước vào tiến trình đổi mới toàn diện. Khi đó, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trở thành vấn đề cấp bách, đặc biệt với những ngành công nghệ cao, hội nhập quốc tế sớm như ngành Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin, nguồn nhan lực được đào tạo trong các trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 1996, Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã cho phép thí điểm mô hình gắn kết giữa Nghiên cứu và Đào tạo với Sản xuất kinh doanh trong một số Tổng công ty lớn của Nhà nước để các doanh nghiệp mạnh của Nhà nước trực tiếp tham gia phát triển nguồn nhân lực và xây dựng tiềm lực KHCN cho Ngành, cho đất nước, đồng thời sử dụng chính môi trường thực tiễn của doanh nghiệp để nâng cao tính thực tiễn cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tiên phong, chủ động xây dựng Đề án và trình Chính phủ xin thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để thực hiện gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh. Có thể khẳng định Học viện là tổ chức Nghiên cứu, Đào tạo đầu tiên được thành lập và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII.
Ngày 11/7/1997, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông được thành lập theo Quyết định số 516/TTg của Thủ tướng Chính phủ, là tổ chức Đào tạo, Nghiên cứu của Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam nay là Tập đoàn BCVT Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị nghiên cứu, đào tạo của Ngành: Trung tâm Đào tạo BCVT 1 (tiền thân là Trường Bưu điện thành lập năm 1953), Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 (thành lập năm 1988), Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện (thành lập ngày 17/9/1966), Viện Kinh tế Bưu điện (thành lập ngày 28/5/1975).
Ngày 17/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định thành lập Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Được sự nhất trí của các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ – giảng viên – nghiên cứu viên Học viện, Học viện đã chọn ngày 17/9 là ngày truyền thống Học viện.
Giai đoạn từ 2014 đến nay: Đổi mới toàn diện, hội nhập bền vững, tiên phong chuyển đổi số giáo dục.
Sau 17 năm được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đầu tư tiềm lực, thực hiện chủ trương tái cấu trúc các Doanh nghiệp Nhà nước của Thủ tướng chính phủ, từ ngày 1/7/2014, để nâng tầm Học viện lên một giai đoạn phát triển mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội về nguồn nhân lực và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Thủ tướng CP đã điều chuyển Học viện từ Tập đoàn VNPT về trực thuộc Bộ TT&TT với sứ mệnh sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội thông qua việc gắn kết các hoạt động giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đáp ứng thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển của trường Bưu điện – Vô tuyến điện qua các thời kỳ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tiếp tục đã khẳng định vị thế và uy tín của tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Trong hoạt động Giáo dục Đào tạo, Học viện đã và đang trở thành điểm sáng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trong chiến lược chuyển đổi số Giáo dục Đại học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo định hướng lai ghép đa ngành, đa lĩnh vực như Truyền thông Đa phương tiện, Thương mại Điện tử, Công nghệ Tài chính, Công nghệ IoT, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Báo chí số… để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong thời gian tới, Học viện sẽ mở thêm một số ngành đào tạo định hướng chuyển đổi số như ngành Kinh tế số, Công nghệ Game, …
Uy tín, vị thế của Học viện trước xã hội tiếp tục được khẳng định, thể hiện ở điểm trúng tuyển đầu vào duy trì ở mức cao (25.65 – 27.44 điểm); Chất lượng đào tạo tiếp tục được duy trì và cam kết theo đúng chuẩn đầu ra. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành được đào tạo đạt trên 93%. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và ưu tiên tuyển dụng sinh viên Học viện.
Trong hoạt động Nghiên cứu Khoa học, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn duy trì vị thế là đơn vị dẫn đầu trong việc thực hiện các hoạt động Nghiên cứu Khoa học theo đặt hàng từ doanh nghiệp và từ xã hội, khẳng định là một trong các trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và công nghệ thông tin của Quốc gia. Bên cạnh các đề tài, nhiệm vụ theo đặt hàng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Học viện là địa chỉ hợp tác đáng tin cậy trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các hãng, các công ty lớn trong và ngoài nước như Qualcomm, Samsung, Naver, VinGroup, Naver, VNPT…
Với hai hoạt động cốt lõi là Giáo dục Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học, Học viện xác định đòn bẩy cho các hoạt động này chính là tăng cường và đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động Hợp tác Quốc tế. Thông qua các chương trình, các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài, đến nay Học viện đã tiếp thu, làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại; nhiều chương trình liên kết quốc tế đã được triển khai ở các trình độ Đại học, Sau Đại học; việc trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên giữa Học viện và các trường ĐH trên thế giới đã bắt đầu khởi sắc; Các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế được Học viện tổ chức định kỳ hàng năm thu hút hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia.
Kế thừa truyền thống 70 năm phát triển của trường Bưu điện – Vô tuyến điện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẵn sàng tâm thế bước vào giai đoạn phát triển mới với sứ mệnh sáng tạo và chuyển giao tri thức cho xã hội thông qua việc gắn kết các hoạt động giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới lĩnh vực TT&TT.