Ngành Thông tin Vô Tuyến điện (VTĐ) đã trở thành công cụ không thể thiếu phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy từ Trung ương Cục đến các khu, tỉnh, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược.
Cùng với sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của những tập thể và cá nhân ngành thông tin VTĐ, thì Trường Thông tin VTĐ Lý Tự Trọng nổi lên như một điển hình, xứng đáng được ghi nhận là cái nôi đầu đã đào tạo ra hàng trăm cán bộ cơ công kỹ thuật, báo vụ và đào tạo cả về văn hóa, chính trị cho học viên. Những học viên được đào tạo từ mái trường thân yêu mang tên Lý Tự Trọng này không những giơi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn vững vàng về lập trường chính trị. Bằng sự tin yêu chăm sóc của Đảng, sự che chở đùm bọc của nhân dân, cả thầy trò đã dạy học với thái độ nghiêm túc, cầu tiến, với những hoài bão và hành động cụ thể, thống nhất đoàn kết một lòng vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Trường Thông tin VTĐ Trung ương Cục miền Nam – tên gọi đầu tiên là trường Lý Tự Trọng được thành lập ngày 14/2/1961. Từ thời điểm thành lập đến khi kết thúc nhiệm vụ, trường đã đào tạo được 11 khóa với hàng trăm học viên cung ứng nguồn nhân lực phục vụ thông tin liên lạc cho chiến trường B2 rộng lớn. Khoá 1 và khoá 2 được gọi đầy đủ tên ấy. Từ khoá 3 trở đi vì yêu cầu bảo mật, cơ quan cấp ủy trong thời kỳ kháng chiến ác liệt nên được nghi trang bằng tên mật danh B10 và sau đó là B4, B24, B48. Trường Lý Tự Trọng cùng với tên nghi trang mang đầy ý nghĩa, đã khắc sâu vào lòng của các cán bộ và học viên 11 khoá học. Tiến trình phát triển của trường Lý Tự Trọng trải qua 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (14/2/1961 – 02/9/1961):
Từ 14/2/1961, cùng với ngày thành lập trường, khoá 1 đã ra đời tại vùng căn cứ trảng 80 (nay thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) sau một thời gian ngắn chuẩn bị gồm 21 học viên và sau này bổ sung 7 học viên, chủ yếu là anh em thanh niên được chọn từ phong trào cách mạng ở các tỉnh, các cơ quan ban ngành Trung ương Cục, Tỉnh ủy Tây Ninh, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định và Trung ương hội Việt kiều Campuchia yêu nước tham gia học tập. Ngày khai giảng, trường vinh dự được các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường thay mặt Ban thường vụ Xứ ủy Nam Bộ đến dự và phát biểu chỉ đạo. Do yêu cầu đột xuất ngoài kế hoạch nên việc chuẩn bị thành lập trường chưa được chu đáo, cán bộ khung khoá 1 chỉ có 3 người: đ/c Nguyễn Thành Danh (Sáu Đại) được điều chuyển từ phụ trách cụm dài thông tin Xứ ủy sang phụ trách chung, đ/c Phan Tiến (Hai Tiến) được điều động từ Campuchia xuống phụ trách huấn luyện và đ/c Năm Oánh, cán bộ Văn phòng Trung ương Cục phụ trách hậu cần, cấp dưỡng. Phương tiện giảng dạy và học tập thiếu thốn mọi thứ: không có giáo trình, giáo án, tư liệu giảng dạy, phương tiện lên lớp chủ yếu là vài ba cái ma-níp, một cây kèn xe đạp chạy bằng pin và một radio gắn bộ phận PO để thu phát tín hiệu morse cùng một số mỏ hàn chì, máy đo vôn kế đo đ/c Bảy Hổ tiếp liệu từ Campuchia gửi về. Trình độ văn hóa của học viên đa số ở bậc tiểu học, số ít anh em đang học bậc trung học, tuổi đời mười tám đôi mươi, có vài em tuổi 14-15.
Ngày 02/9/1961, khoá 2 khai giảng với số lượng học viên đông hơn khoá 1, sau khi khai giảng trường lại phải dời căn cứ về Đồng Rủm, suối Bà Chim để nhường căn cứ của trường cho cơ quan Trung ương Cục. Đồng thời cơ quan này cũng quyết định chuyển giao toàn bộ nhà trường cho Thông tin quân đội, kể cả vật chất, phương tiện dạy và học do mới hình thành nên gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Khoá 2 có thêm nhiều học viên ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ như Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, An Giang theo học.
Giai đoạn 2 (02/9/1962 đến 10/1965):
Từ 02/9/1962 đến 10/1965, khai giảng các khoá 3, 4, 5, 6. Khóa 3 được chuyển về trảng Ba Mặt thuộc xã Tân Đông, Tân Biên, Tây Ninh. Khóa 4, 5, 6 lại dời về gần Sóc Thiết cạnh xóm Rẫy, xóm Giữa (nay là xã Hoà Hiệp, Tân Biên). Ban lãnh đạo gồm các đ/c: Việt Hồng, Hai Tiến, Năm Thiện. Đến tháng 11/1962, đ/c Tám Mai về thay đ/c Việt Hồng chuyển công tác khác. Tổ giáo viên gồm có: Ba Hồng – giáo viên cơ công, Tư Ân, Tấn – giáo viên điện báo, về sau bổ sung đ/c Hồi và Đoàn Phương từ Ban Thông tin về tăng cường cho tổ giáo viên điện báo.
Đặc điểm của các khoá này là đa số học viên từ các tỉnh đồng bằng Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Thơ, đại bộ phận từ 17-21 tuổi. Giai đoạn này đào tạo học viên toàn diện về chính trị, văn hoá, chữ viết, thể lực và chuyên môn nghiệp vụ, chương trình đào tạo chính quy. Ngoài việc học, anh em còn tham gia chống càn, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ nhà trường.
Khoá 4, 5, 6 ra trường với số lượng trên 300 học viên lần lượt được chi viện cho chiến trường từ khu VI trở vào. Các khoá này trường được tăng cường thêm một số cán bộ quản trị: Tám Sơn, Bảy Dũng, Năm Chất; cán bộ quản lý: Hùng, Nhi; nhóm cán bộ y tế: Khuyên, Quốc Thanh, Chí Tâm đế chăm sóc sức khoẻ thầy trò tại chỗ. Tổ sản xuất hoa màu có đ/c Chánh phụ trách. Giai đoạn 2 tổ chức của trường đầy đủ nhất, quy mô nhất, dạy và học toàn diện nhất.
Tại căn cứ này chúng ta đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ bảo vệ gồm hệ thống giao thông hào, hàng rào chống và hầm chông, đặc biệt đào được một địa đạo dài 2km theo mô hình địa đạo Củ Chi với mục đích sẵn sàng bám trụ để dạy và học, khi cần thiết thì quyết tử chiến đấu.
Từ tháng 11/1965, nhà trường tạm thời ngưng hoạt động, tất cả cán bộ công nhân viên khung đều nhập về Ban Thông tin R, phát triển các đài, cụm đài của Ban Thông tin để chuẩn bị sẵn sàng thực lực đón nhận tình thế mới. Học viên giai đoạn 2 được đưa về tăng cường cụm đài Trung ương Cục, Thông tấn xã, T6 và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Giai đoạn 3 (6/1967 đến đầu 1970):
Do tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh mới nên việc dạy và học của nhà trường đã thu gọn lại các nội dung, chương trình và thời gian. Các khoá 7, 8, 9, lại đổi tên trường từ B10 thành B4/C31. Ban lãnh đạo có đ/c: Hai Yên, Sáu Khánh; Giáo viên: Bảy Triều, Hồi, Róc Sơn, Thống, Thúy… Học viên các khoá này có số lượng trên 200. Các khoá 7, 8, 9 phải di dời căn cứ liên tục, trên đường di chuyển bị B52 ném bom. Cuối năm 1969, các khoá 7, 8, 9 bế giảng, học viên được đưa về các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và các phân liên khu, kể cả Sài Gòn – Gia Định.
Giai đoạn 4 (đầu năm 1970 – 30/4/1975):
Đầu năm 1970, chiến tranh bùng nổ khắp ba nước Đông Dương, nhà trường phải một lần nữa ngưng đào tạo. Cán bộ khung chuyển qua làm nhiệm vụ tiếp nhận và tập huấn một số báo vụ, cơ công từ miền Bắc chi viện vào khoảng trên 100 người. Năm 1972, trường đóng tại Xốc Chùa, gần Đầm Be (Campuchia) tiếp tục huấn luyện khóa 10. Ban lãnh đạo có đồng chí Phan Tiến, Tư Phát, Đồng Xuân Thu. Sau Hiệp định Paris 1973, trường được lệnh rút về nước tiếp tục khai giảng khóa 11 đóng tại ngã ba Cây Cầy thuộc xã Thạnh Bình, Tân Biên gọi là B48.
Nhằm nâng cao trình độ cho lãnh đạo trưởng, phó đài và cán bộ kỹ thuật của các cụm dài, từ khu VI trở vào, Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam quyết định mở lớp đào tạo trung cấp cơ công đầu tiên cũng tại Cây Cầy thuộc xã Thanh Bình, Tân Biên gọi là B24. Lãnh đạo gồm các đ/c Hai Liên Xô, Ba Vân, Ba Sang, giáo viên có đ/c Năm Tình, Vẻ, Trung và một số cán bộ từ miền Bắc chi viện vào. Lớp được khai giảng vào tháng 2/1974 gồm 83 học viên, bước đầu phải học văn hóa hết lớp 6. Cuối năm 1974 phân nửa lớp chuyển ra miền Bắc học tiếp. Đến tháng 3/1975 một số được đưa về chiến trường miền Nam phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bên cạnh B24 đào tạo cơ công, B48 đào tạo báo vụ còn có B10 do đ/c Sáu Tây phụ trách có nhiệm vụ bảo vệ khu vực trường. Phụ trách lớp trung cấp là đ/c Bảy Nê, sau đó là đ/c Bảy Việt.
Đến ngày 30/4/1975, trường Thông tin VTĐ Lý Tự Trọng kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, toàn bộ cán bộ công nhân viên và học viên nhà trường tham gia tiếp quản ngành Bưu điện tại Sài Gòn. Sau đó một số tiếp tục học văn hóa tại trường Tân Vạn và trường Bưu điện số 11 Nguyễn Đình Chiểu. Từ đầu đến cuối đã đào tạo được trên 500 cán bộ điện báo viên và cơ công kỹ thuật, bổ túc cho hàng trăm cán bộ thông tin về văn hoá và nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu học chuyên môn nghiệp vụ và đòi hỏi của lịch sử.
Qua 11 khoá đào tạo nghiệp vụ thông tin VTĐ, đội ngũ học viên trong học tập luôn kiên định lập trường, chiến đấu, năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thử thách ác liệt của chiến trường. Điều đó đã chứng minh lòng trung thành vô hạn của lớp thanh niên này. Trong công tác, đội ngũ học viên đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp trong thời kỳ học tập, tiếp tục chịu đựng gian khổ, anh dũng sáng tạo hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng, có thể nói không đơn vị nào không có đồng nghiệp hy sinh. Trong kháng chiến, đội ngũ học viên ấy không có ai đầu hàng khai báo trước sự ác liệt của chiến tranh và trước những thủ đoạn gian ác của kẻ thù.
Tự hào với thế hệ thầy cô cùng học viên suốt 11 khóa. Trường đã góp phần quan trọng trong việc viết nên trang sử hùng tráng của ngành Bưu chính Viên thông hiện nay và cùng đã hình thành một giá trị truyền thống rất cao đẹp mà ngành Bưu chính Viễn thông đã xem như một khẩu hiệu chiến lược, được thể hiện trong 10 chữ vàng sáng chói: “Trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo, nghĩa tình”.
Tập thể lãnh đạo, giảng viên, nhân viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở TP.HCM
và cựu học viên trường Thông tin VTĐ Lý Tự Trọng trong chuyến “Về nguồn” ngày 09/9/2023.
Nguồn: Trích từ “Lời mở đầu” của đồng chí Nguyễn Thành Danh (Sáu Đại) – Nguyên Trưởng ban Thông tin liên lạc Trung ương cục miền Nam và “Sự hình thành và phát triển nhà trường” của đồng chí Huỳnh Văn Mai (Tám Mai) – Ban lãnh đạo trường Thông tin VTĐ TWC miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (Kỷ yếu trường Thông tin VTĐ Lý Tự Trọng – Ban Thông tin Trung ương cục miền Nam 1961-1975, NXB Thông tin và Truyền thông, tháng 4/2010).