– Ngày 29 tháng 9 năm 2017, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Giới thiệu dịch vụ thông tin hỗ trợ canh tác cà phê bền vững” trong khuôn khổ Dự án GREEN coffee đang triển khai tại 4 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Nông. Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu, chia sẻ các nội dung cũng như giải pháp công nghệ mà dự án sẽ cung cấp; đồng thời tham vấn các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học các tổ chức hoạt động trong ngành cà phê và các đơn vị sản xuất để biết và góp ý xây dựng một chương trình phù hợp nhất trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay nhằm tạo ra được những dịch vụ thông tin thực sự hữu ích và phù hợp không chỉ cho nông dân mà cho toàn bộ các tác nhân trong chuỗi cà phê.
– Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo Tỉnh Đăk lăk: ông Y Giang Gry Niê Knơng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đại diện cơ quan vũ trụ Hà Lan NSO, ông Ruud Grim, quản lý chương trình G4AW; ông Kees de Ruiter, Giám đốc Văn phòng ICCO Đông Nam Á -Thái Bình Dương, cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông…, và khoảng hơn 140 đại biểu trong nước và quốc tế, đến từ các cơ quan ban ngành trung ương và địa phương (4 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng), công ty sản xuất, kinh doanh cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức quốc tế, BQL dự án VNsat và các bên liên quan khác trong ngành cà phê.
Hình ảnh buổi Hội thảo
– Sản xuất cà phê hiện nay trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam và Tây Nguyên nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức như tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, suy thoái đất,thiếu khả năng tiếp cận các nguồn thông tin chính xác, cụ thể, thị trường bất ổn với biến động giá cả nhân công và vật tư đầu vào, giá cả đầu ra cũng như nhiều đòi hỏi khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy nguyên nguồn gốc, khả năng cạnh tranh và thay thế của các cây trồng khác làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh đặc biệt là thu nhập của người dân làm cho việc sản xuất cà phê đã khó nay lại càng khó khăn hơn. Để giải quyết phần nào khó khăn này, dự án GREEN Coffee là chương trình tích hợp giữa các nguồn thông tin từ vệ tinh, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của nước sở tại vận dụng vào các ứng dụng của công nghệ thông tin, truyền thông, các phần mềm quản lý để thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu qua đó xây dựng kênh phân phối, ứng dụng qua điện thoại thông minh, web và dịch vụ tin nhắn SMS cho điện thoại phổ thông để cung cấp thông tin đến người sử dụng cho tất cả các tác nhân có liên quan trong chuỗi cung ứng ngành hàng cà phê đặc biệt là giúp nông dân nhiều thông tin hữu ích để canh tác cà phê hiệu quả hơn.
– Với sự hợp tác từ Văn phòng Hàng không Vũ trụ Hà Lan, tổ chức ICCO là đơn vị quản lý, phối hợp với 4 tổ chức Hà Lan là WWC, TTC, eLEAF, AKVO và 5 tổ chức Việt Nam là ERIPT (Viện Kinh tế Bưu điện – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), NIAPP (Viện Quy hoạch Thiết kế Bộ NN&PTNT), IPSARD (Viện Chính sách và Chiến Lược Bộ NN&PTNT), Tổ chức chứng nhận UTZ và Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) đã tiến hành triển khai qua gần 1 năm hoạt động các chuyên gia kỹ thuật giữa Hà Lan và Việt Nam đã và đang hình thành một số sản phẩm dịch vụ để cung cấp cho người sử dụng trong ngành cà phê, Đây là một ý tưởng mới và tiên phong trong ngành cà phê, là dịch vụ thông tin đa phương tiện (ứng dụng trên điện thoại thông minh, tin nhắn trên điện thoại thông thường, và website).
Ông Y Giang Gry Niê Knơng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội thảo
– Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Bộ Thông tin – Truyền thông, cho rằng: Cách mạng Công nghiệp 4.0 là xu thế công nghệ tất yếu mà Việt Nam phải hướng đến để theo kịp các nước phát triển trên thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt là lĩnh vững nông nghiệp thông minh trong điều kiện khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, dân số không ngừng tăng và diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp. Vì thế, tư duy làm nông nghiệp nhỏ lẻ, dựa vào sức người và điều kiện tự nhiên là chính đã trở nên lỗi thời. chúng ta phải có nền “Nông nghiệp thông minh 4.0” tương ứng. Trong đó, nhà sản xuất sử dụng công nghệ kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý học. Đối với các vùng Tây nguyên – nơi được nhà nước phát triển kinh tế trọng điểm của Việt Nam, nhu cầu này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông phát biểu tại Hội thảo
– Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Viện Kinh tế Bưu điện, là đơn vị có thế mạnh trong việc hợp tác quốc tế, kinh nghiệm phát triển, ứng dụng công nghệ cao, cung cấp dịch vụ thông tin, với vai trò là đơn vị đầu mối triển khai dự án, tiếp nhận thông tin và chủ sở hữu nguồn dữ liệu thu thập và phân tích được từ các đối tác, chủ động lập phương án kỹ thuật và kế hoạch cung cấp, kinh doanh dịch vụ cho nông dân và khách hàng có nhu cầu. Ngoài những mục tiêu, kết quả triển khai của dự án Green coffee đang triển khai, chúng ta có thể phát triển, áp dụng và mở rộng phạm vi triển khai ở các ngành công nghiệp khác như chè, lâm nghiệp, hồ tiêu, thủy sản…
– Ông Trần Quang Huy, Viện trưởng Viện Kinh tế Bưu điện và các Nghiên cứu viên của Viện cũng đã chủ trì, tham gia điều hành các phiên thảo luận của Hội thảo.
Ông Trần Quang Huy, Viện trưởng Viện Kinh tế Bưu điện phát biểu tại Hội thảo