GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
HỆ ĐẠI HỌC THEO HÌNH THỨC GIÁO DỤC TỪ XA
I- GIỚI THIỆU CHUNG
“Hình thức Giáo dục từ xa (viết tắt là GDTXa) thuộc phương thức giáo dục không chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân. GDTXa là một quá trình giáo dục, trong đó phần lớn có sự gián cách giữa người dạy và người học về mặt không gian và thời gian. Người học theo hình thức GDTXa chủ yếu là tự học qua học liệu như giáo trình, băng hình, băng tiếng, đĩa CD-ROM, phần mềm vi tính, bằng việc sử dụng các phương tiện nghe nhìn cá nhân, phát thanh, truyền hình, các tổ hợp truyền thông đa phương tiện, mạng Internet dưới sự tổ chức, trợ giúp của nhà trường. GDTXa lấy tự học là chính, đòi hỏi người học phải tự giác, kiên trì và quyết tâm cao để hoàn thành công việc của mình.”
Tại Việt Nam, hiện có 11 cơ sở được phép tuyển sinh đào tạo hệ đại học từ xa : Viện đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học mở-Bán công TP. HCM, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Đà Lạt, Đại học Dân lập Bình Dương, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Học viện Công nghệ BCVT. Tính đến tháng 12/2007, tại các cơ sở đào tạo đại học từ xa có khoảng trên 120.000 người đang theo học hệ đại học từ xa (so với khoảng 1,5 triệu người đang theo học hệ CĐ/ĐH chính quy).
Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy chất lượng đào tạo đại học theo hình thức GDTXa không thua các trường truyền thống, được các trường truyền thống thừa nhận. Ví dụ ở Tây Ban Nha, giới chủ doanh nghiệp ưa thích những người học từ xa vì họ có nhiều phẩm chất rất quan trọng là ý thức kỷ luật, kinh nghiệm, lòng kiên trì, tính tự giác,…
II/ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC TỪ XA CỦA HỌC VIỆN
Mục tiêu của hệ đào tạo này là gì?
Cung cấp cơ hội học tập, nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng nghiên cứu sáng tạo ở bậc đại học cho các đối tượng có nhu cầu học tập theo hình thức GDTXa nhưng không có điều kiện học tập tập trung tại các cơ sở đào tạo ở các thành phố lớn, giúp người học cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội; đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Một điều quan trọng mà Học viện hướng tới đó là: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường sức lao động. Do đó, ngoài kiến thức chuyên môn, chương trình đào tạo của Học viện rất chú trọng đến việc đào tạo các kỹ năng ứng dụng để thực hiện các công việc cụ thể của người kỹ sư khai thác và quản lý trực tiếp các hệ thống thông tin điện tử-tin học-truyền thông (đối với ngành Công nghệ thông tin và Điện tử Viễn thông), và của người trực tiếp làm công tác quản lý kinh doanh (đối với ngành Quản trị kinh doanh).
Những ai có thể tham gia học tập?
Học viện không hạn chế đối tượng tuyển sinh trên nguyên tắc ” mọi công dân Việt Nam có nguyện vọng học đại học từ xa; đã tốt nghiệp THPT, THCN hoặc tương đương và không thuộc diện bị tước quyền đăng ký dự thi, tuyển sinh vào hệ đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT” đều được đăng ký dự tuyển vào hệ đại học từ xa của Học viện. Tuy nhiên, Học viện cũng có thể xem xét ưu tiên xét chọn thí sinh trên cơ sở các tham số về học lực THPT, ngoại ngữ, tin học và điều kiện, ý chí tự học để đảm bảo chất lượng đào tạo ngay từ khoá học đầu tiên.
Việc tổ chức tuyển sinh sẽ được Học viện thực hiện trên phạm vi toàn quốc nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng loại hình, quy mô đào tạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu học có thể học mọi lúc, mọi nơi.
Sinh viên học hệ đại học từ xa phải học như thế nào?
Về tổng thể quy trình đào tạo đại học từ xa (gồm 5 công đoạn chính).
(1)Đăng ký kế hoạch học tập: đầu khoá học và trước mỗi kỳ thi, Sinh viên phải làm bản đăng ký kế hoạch học tập toàn khoá và cho từng học phần của riêng mình (học theo hình thức nào, bắt đầu từ bao giờ, đăng ký thi vào thời điểm nào, mua loại học liệu gì,..).
(2) Tự học có hướng dẫn, bao gồm 2 quá trình.
a) SV tự nghiên cứu, tự học thông qua hệ thống học liệu như giáo trình, băng hình, băng tiếng, đĩa CD-ROM, phần mềm vi tính,… bằng việc sử dụng các phương tiện nghe nhìn cá nhân, phát thanh, truyền hình, mạng tin học – viễn thông.
b) SV học phụ đạo, tham gia các diễn đàn học tập và làm bài tập dưới sự hướng dẫn của Giảng viên. Quá trình này có thể diễn ra trực tiếp (mặt giáp mặt) hoặc gián tiếp (qua mạng tin học-viễn thông).
Để tạo điều kiện cho sinh viên tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu và có điều kiện tiếp nhận sự hướng dẫn, trao đổi, giải đáp thắc mắc trực tiếp của Giảng viên và Cố vấn học tập cũng như của các SV khác, Học viện tổ chức việc hướng dẫn học tập theo 3 giai đoạn:
– Hướng dẫn học tập đầu kỳ: 1-3 buổi/học phần-môn học, trực tiếp mặt- giáp mặt tại Học viện hoặc Trạm giáo dục từ xa của Học viện tại địa phương
– Hướng dẫn học tập trong kỳ: kéo dài 3-4 tháng/môn học, chủ yếu qua các diễn đàn học tập trên Website/Internet, và Học viện sẽ bố trí từ 1-2 buổi ngoài giờ hành chính có giảng viên trực hướng dẫn on-line qua Internet tuỳ theo đặc thù của môn học.
– Hướng dẫn học tập cuối kỳ: 1 buổi/học phần-môn học, trực tiếp mặt- giáp mặt tại Học viện hoặc Trạm giáo dục từ xa của Học viện đặt tại địa phương).
Trong đó:
+ Việc tổ chức hướng dẫn đầu kỳ và cuối kỳ có thể được kết hợp trong khoảng thời gian SV tập trung thi, kiểm tra kết thúc học phần.
+ Tổng số giờ SV tập trung tham dự hướng dẫn học tập, giải đáp thắc mắc, phụ đạo không vượt quá 30% số giờ kế hoạch dành cho mỗi học phần.
(3) Thực hành-thực tập: theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của môn học, ngành học (chiếm khoảng 20% tổng thời lượng chương trình).
(4) Thi, kiểm tra kết thúc học phần. Mỗi năm, sinh viên phải tập trung 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 2-3 tuần tại Học viện hoặc Trạm GDTXa của Học viện để tham dự các kỳ thi.
(5) Thi, làm đồ án và công nhận tốt nghiệp: thực hiện theo quy chế chung của Bộ GD&ĐT.
Sơ đồ dưới sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quát về quy trình học tập- đào tạo hệ ĐHTX.
Như sơ đồ đã thể hiện, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận để sử dụng học liệu, trao đổi thông tin và tiếp nhận sự hướng dẫn của nhà trường, của bạn học cùng lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của mình mà không phụ thuộc nhiều vào thời gian, địa điểm và điều kiện kinh tế của sinh viên.
Sách và tài liệu cho sinh viên tự học được cung cấp như thế nào?
Đối với GDTXa, hệ thống học liệu được coi là một trong các khâu quan trọng bậc nhất giúp sinh viên tự học trong quy trình GDTXa. Ý thức được điều đó, Học viện đã có kế hoạch đầu tư biên soạn, in ấn những giáo trình tự học có hướng dẫn, bài giảng, sách bài tập, tài liệu tham khảo,… phù hợp và dành riêng cho hình thức GDTXa.
Do đặc thù của loại hình giáo dục từ xa, nên sinh viên sau khi đăng ký học phần nhất thiết phải mua học liệu dạng sách in do Học viện phát hành. Các loại học liệu khác (đĩa CD-ROM, bài giảng điện tử,…) sinh viên có thể tuỳ chọn theo điều kiện học tập của mình. Giá bán học liệu được Học viện thống nhất đối với mọi sinh viên trên toàn quốc.
Đối với những Sinh viên không có điều kiện truy nhập Internet, Học viện cũng sẽ tổ chức xuất bản và cung cấp Băng đĩa Audio-Video, Đĩa CD-ROM bài giảng cho mọi sinh viên có nhu cầu, với giá bán phù hợp. Ước tính chi phí mua học liệu cho 1 sinh viên/năm khoảng 250-350.000 đ/năm.
Học hệ đại học từ xa có thực hành, thực tập hay không?
Học từ xa không có nghĩa là không có thực hành thực tập. Đối với học phần có yêu cầu về thực hành, thực tập theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của môn học, ngành học, Học viện sẽ lập kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo theo nguyên tắc :
– SV tập trung thực hành, thực tập tại Học viện (hoặc Trạm GDTXa) cùng kỳ thi, kiểm tra kết thúc học phần.
– Sinh viên là người đang làm việc trong các doanh nghiệp có thể đăng ký tự đảm bảo việc thực hành, thực tập và viết báo cáo theo yêu cầu của học phần, khi đó phải có xác nhận của đơn vị chủ quản về thời gian, nội dung thực hành, thực tập./.
Bằng cấp hệ đại học từ xa có giá trị như thế nào?
“…Chương trình GDTXa cấp văn bằng có khối lượng, nội dung và cấu trúc kiến thức tương đương với chương trình chính quy cùng nghành học, cấp học…Văn bằng, chứng chỉ (VBCC) của hình thức GDTXa do các cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp là VBCC thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được Nhà nước đảm bảo về tính pháp lý và giá trị sử dụng như VBCC của các loại hình giáo dục khác”(Điều 3- Quy chế 40/2003 của Bộ GD&ĐT)
Như vậy, người tốt nghiệp được Học viện cấp bằng đại học, được công nhận danh hiệu kỹ sư hoặc cử nhân, được quyền tiếp tục học chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn theo quy định của Nhà nước. Những quy định pháp lý của Nhà nước đã ban hành về chế độ- chính sách không hề có sự phân biệt giữa người tốt nghiệp đại học hệ từ xa cũng như các hệ đào tạo khác.
Trên thế giới, việc đào tạo Sau đại học theo hình thức GDTXa không phải là vấn đề mới, vì nó hoàn toàn phù hợp với phương pháp và tư duy nghiên cứu, học tập ở bậc sau đại học. Tại Việt nam, Trung tâm phát triển Công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM đã tuyển sinh đào tạo ở bậc trình độ Thạc sỹ CNTT theo hình thức không tập trung kết hợp mạng tin học viễn thông (GDTXa) từ năm 2003.
Chi phí học từ xa có đắt không?
Sinh viên theo học hệ đại học từ xa phải nộp các khoản chi phí trong quá trình học tập, bao gồm phí xét tuyển, học phí, tiền mua học liệu. Ngoài ra, sinh viên không phải đóng thêm khoản tiền nào khác.Việc thu học phí được thực hiện mỗi năm từ 2 đến 3 đợt, tương ứng với kế hoạch hướng dẫn học tập và các kỳ thi.
Học phí được tính theo tín chỉ của ngành học (trong đó có tính kinh phí của 01 lần thi-kiểm tra kết thúc học phần). Mức chi phí (bao gồm cả tiền mua học liệu) học hệ đại học từ xa khoá 6 (2010-2015) của Học viện tính trung bình vào khoảng 2,2 đến 2,8 triệu/năm (tuỳ ngành học và tuỳ số môn học mà SV đăng ký trong năm). Nhìn chung chi phí này không rẻ hơn so với đào tạo chính quy, nhưng người học lại tiết kiệm được rất nhiều thời gian để tập trung học tập cho những công việc khác do không phải dành nhiều thời gian đến trường.
Về nguyên tắc, sinh viên hệ đại học từ xa không được miễn giảm học phí (căn cứ theo Thông tư liên tịch số 26/1999, ngày 02/11/1999 giữa liên Bộ: Bộ Lao động-TBXH, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục & Đào tạo). Hàng năm, Học viện đề có xem xét miễn giảm học phí cho các trường hợp sinh viên là đối tượng chính sách có đơn đề nghị xem xét miễn giảm học phí.
Học đại học từ xa có được cấp học bổng hay không?
Sinh viên theo học đại học từ xa không được cấp học bổng. Hàng năm, Học viện có thể xét cấp học bổng cho những sinh viên có kết quả học tập và nghiên cứu khoa học đặc biệt xuất sắc hoặc học bổng chính sách cho các đối tượng sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước.
Mọi chi tiết hơn xin lên hệ:
Cơ sở Đào tạo Học viện tại Hà Nội: Km10 Đường Nguyễn Trãi- TP.Hà Đông-Hà Tây.
Điện thoại: 034.3820853, 04.5541221;
Website: www.e-ptit.edu.vn, E-mail: dhtx@e-ptit.edu.vn
Cơ sở Đào tạo Học viện tại TP. HCM: 11 Nguyễn Đình Chiểu, Quận I, TP. HCM.
Điện thoại/fax: 08.9105777
Download mẫu đơn đăng ký dự tuyển đại học từ xa và sơ yếu lý lịch.