Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một việc vô cùng quan trọng là làm sao cổ vũ được sức sáng tạo của tất cả đội ngũ thầy cô giáo, nhà khoa học, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT), từ đó lan tỏa ra trong ngành TT&TT và xã hội.
– Lời nhắn nhủ vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi tới các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên của trường tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1997 – 2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Học viện, tổ chức ngày 16/9 tại Hà Nội.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Học viện Công nghệ BCVT (Ảnh: Đình Dũng)
– Phó Thủ tướng cho biết: “Tôi rất vinh dự và xúc động dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Học viện. Hai mươi năm không dài, tuổi 20 rất trẻ. Nhưng tuổi 20 của Học viện vô cùng đặc biệt. Bởi vì tuổi 20 này được kế thừa những bước phát triển hơn 70 năm lịch sử rất đỗi tự hào của ngành Bưu điện, của sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học trong ngành Bưu điện”.
– Phó Thủ tướng chúc mừng và tri ân tới tất cả các thế hệ các thầy cô giáo, nhà khoa học, học viên, sinh viên, tất cả các tổ chức, cá nhân đã trực tiếp, gián tiếp hợp tác, hỗ trợ để sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực của ngành Bưu chính Viễn thông (BCVT) cũng như sự nghiệp phát triển BCVT nước nhà có được những bước phát triển rất đáng tự hào trong thời gian vừa qua.
– Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn ngành TT&TT tiếp tục kế thừa những thành tích rất đáng tự hào của ngành Bưu điện, huy động được sức mạnh tổng hợp của ngành Thông tin và nhiều ngành khác để có những bước phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.
– Một lần nữa nhắn nhủ “kỷ niệm 20 năm, nhưng 20 năm này là kế thừa của hơn 70 năm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành Bưu điện từ trong kháng chiến đã dùng máu của mình để nối liền mạch máu thông tin liên lạc với một tấm lòng trung thành vô hạn đối với công cuộc giải phóng đất nước. “Bây giờ, Học viện Công nghệ BCVT hơn ai hết là nơi giữ vai trò như một cái nôi để từ đây những cán bộ trong tương lai của ngành Bưu điện, của đất nước được đào tạo, được ra đời, được cống hiến. Tinh thần trung thành với sự nghiệp chung này, hơn bao giờ hết cần được nhắc lại và cần được phát huy. Ngày xưa, đấy là sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Bây giờ là bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước, tăng cường tiềm lực kinh tế, chống lại giặc nghèo. Qua bao nhiêu hi sinh như vậy, nhất định Việt Nam phải phát triển nhanh và bền vững hơn để sánh với 5 châu, bè bạn. Đấy là cách tri ân tốt nhất đối với bao nhiêu thế hệ liệt sỹ, trong đó có rất nhiều liệt sỹ của ngành đã hi sinh”, Phó Thủ tướng nói.
– Cũng theo chia sẻ của Phó Thủ tướng, trong suốt quá trình lịch sử của ngành Bưu điện, không chỉ trong chiến đấu dũng cảm mà trong sản xuất kinh doanh, sự nghiệp đổi mới cũng vô cùng dũng cảm.
– Phó Thủ tướng cho biết: “Không nói lại thời kỳ khó khăn sau giải phóng và thống nhất đất nước. Chúng ta chỉ cần nhắc lại thời kỳ khi mà cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, khi số hóa bắt đầu thì ngành Bưu điện lúc ấy đã vô cùng dũng cảm, vượt qua muôn vàn khó khăn, không chỉ vì tiềm lực kinh tế, năng lực kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật thời bấy giờ những người biết kỹ thuật số chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, chúng ta đã vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình để đi thẳng vào kỹ thuật số. Đấy là thể hiện một sự dũng cảm. Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo của đất nước và của ngành đang đứng trước yêu cầu đổi mới như Nghị quyết 29 nói là “căn bản và toàn diện”, một trong những yếu tố để có thể đổi mới căn bản được là phải vô cùng dũng cảm và phải vượt qua được những suy nghĩ mà bấy lâu nay mình cho là đúng, phải phù hợp với xu thế, vượt lên chính mình”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1997 – 2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Học viện Công nghệ BCVT (Ảnh: Đình Dũng)
– Phó Thủ tướng cũng cho rằng, như 10 chữ vàng của ngành Bưu điện, chúng ta trung thành, tận tụy rồi nhưng phải vô cùng sáng tạo. Ngành Bưu điện luôn có một niềm tự hào là trong chiến đấu thì dũng cảm và trung thành, không quản hi sinh. Trong đổi mới là ngành đi đầu. Không chỉ đổi mới ngành Bưu điện mà còn góp phần vào làm cho làn sóng đổi mới của đất nước đi nhanh hơn, vững hơn. Và trên hết là “dũng cảm”. Đó là phát huy được sức sáng tạo vô cùng to lớn của đội ngũ mấy chục nghìn người, từ những công nhân đường dây, những bưu tá cho đến các giáo sư, tiến sỹ nghiên cứu.
“Lúc này đây, chúng ta đều biết là cả thế giới đang đứng trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư. Làm sao cổ vũ được sáng tạo của tất cả đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, các nhà khoa học, các em sinh viên của học viện và từ đó lan tỏa ra trong ngành bưu điện và trong xã hội là vô cùng quan trọng”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
– Học viện Công nghệ BCVT tự hào là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết Trung ương: gắn liền đào tạo, nghiên cứu với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý: “Ngày hôm nay, sự “gắn liền” đó đã đủ chưa? Câu hỏi này cần được Học viện đặt ra thường xuyên và liên tục. Không chỉ là nhận đơn đặt hàng trong nghiên cứu, trong đào tạo mà hơn nữa, Học viện phải là một trong những cái nôi mà tôi cho rằng phải phấn đấu trở thành cái nôi thành công nhất trong việc đưa tất cả những ý tưởng khoa học, kết quả nghiên cứu vào phong trào khởi nghiệp”.
– Cũng trong phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng cho biết, với câu hỏi liệu Học viện Công nghệ BCVT có khẳng định là đơn vị dẫn đầu về mặt nghiên cứu khoa học gắn với yêu cầu của thực tiễn doanh nghiệp hay không?, Giám đốc Học viện cho biết nhà trường có thể tự tin về mặt đào tạo nhưng về nghiên cứu khoa học thì trong nhiều lĩnh vực, trường chưa đủ tự tin để khẳng định
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm quan khu triển lãm sản phẩm khoa học công nghệ của sinh viên Học viện Công nghệ BCVT (Ảnh: Đình Dũng)
– Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước, Phó Thủ tướng chỉ rõ, nhất định phải đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Trong hệ thống sáng tạo quốc gia của thế giới thì mối quan hệ rất cân bằng giữa nhà nước – trường đại học – viện nghiên cứu và doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Như một tam giác đều, 3 góc là Chính phủ, là học viện, các viện nghiên cứu và các trường đại học. Ở giữa của tam giác ấy là doanh nghiệp.
– Theo Phó Thủ tướng, ở Việt Nam hiện nay, mô hình đó bị méo mó, là một tam giác không đều. Chính phủ thì là đỉnh rất cao và bằng các cơ chế vốn từ trước dù đã được đổi mới nhưng vẫn nặng tính bao cấp, rót vốn xuống các trường đại học và các viện nghiên cứu công lập. Các trường đại học gần như rất hạn chế về nghiên cứu khoa học. Điều này có thể thể hiện qua các công bố, các bài báo, các công bố quốc tế và đặc biệt là số lượng các bằng phát minh sáng chế của chúng ta rất khiêm tốn.
– “Học viện tự hào đã là và sẽ giữ vững là 1 trong 20 trường hàng đầu của Việt Nam. Nhưng tôi rất muốn nói với các bạn sinh viên và các giáo viên trẻ: trường đại học hàng đầu của Việt Nam hiện nay được xếp thứ hạng gần đây nhất là đứng thứ 1.031. Một trong những tiêu chí đánh giá của các trường đại học đấy là nghiên cứu khoa học, các công bố quốc tế. Chúng ta có những bước tiến rất rõ trong đào tạo nhưng nghiên cứu khoa học của Học viện từ khi tổ chức sáp nhập giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện và một số Trung tâm nghiên cứu với Học viện, chúng ta phải có những bước đi quyết liệt hơn. Làm sao để gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo với doanh nghiệp. Không phải chỉ đơn thuần chúng ta phục vụ doanh nghiệp mà từ đây sẽ phải có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, nhiều sản phẩm mới đưa vào sử dụng. Còn Nhà nước bây giờ, Bộ GD&ĐT hay Bộ TT&TT theo xu hướng chung sẽ giảm dần những can thiệp hành chính để cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu phải thực sự thực hiện quyền tự chủ của mình để phát huy được sức sáng tạo như thuộc tính vốn có của các nhà giáo và các nhà khoa học”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Theo: ictnews.vn