Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) là một trong những cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tiên phong kiểm định chất lượng giáo dục ĐH chu kỳ 2.
Ngày 4/4/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục thuộc Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam và Học viện Công nghệ BCVT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức công bố quyết định và chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục cho Học viện.
Theo đó, Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục đã công bố các quyết định công nhận: Học viện Công nghệ BCVT đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo các quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH có thời hạn 5 năm và đạt các chứng nhận kiểm định chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT), ngành kỹ thuật điện tử viễn thông (ĐTVT) trình độ ĐH cho Học viện Công nghệ BCVT.
Trao chứng nhận kiểm định cho Học viện, PGS. TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục cho biết: PTIT là một trong những cơ sở giáo dục ĐH đi đầu trong quá trình kiểm định chất lượng ở chu kỳ I và đã nhanh chóng triển khai việc thực hiện kiểm định đạt chuẩn chất lượng chu kỳ II với sự quyết tâm cao của lãnh đạo, tập thể cán bộ, đối tác và các thế hệ sinh viên đã hỗ trợ để khẳng định chất lượng đào tạo của PTIT. Đồng thời, Học viện cũng đã đạt chứng nhận kiểm định chất lượng đào tạo quốc gia cho hai chương trình đào tạo CNTT và ĐTVT.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện bày tỏ vui mừng khi Học viện đạt chứng nhận và khẳng định quyết tâm cao của Học viện về nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các ngành, nghề của Học viện, đặc biệt là khối ngành kỹ thuật. Tập thể giáo viên, sinh viên luôn đóng góp để Học viện đạt được chuẩn chất lượng đào tạo quốc gia, hướng tới mục tiêu sinh viên tốt nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá, chất lượng, truyền thống, uy tín của Học viện.
Giám đốc Học viện cũng nhấn mạnh sau khi đạt kiểm định chất lượng, Học viện tiếp tục cải tiến về cảnh quan, cơ sở vật chất, môi trường làm việc cho cán bộ giảng viên, môi trường học tập, nghiên cứu cho sinh viên. “Đây là các cam kết mạnh mẽ của Học viện trong tiến trình phát triển của Học viện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để trở thành trường ĐH hàng đầu trong khu vực về đào tạo kỹ thuật số, có sinh viên tốt nghiệp có chất lượng cao khi hiện nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo đạt 90%”.
Ngày 09/01/2018, Học viện được cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo giai đoạn 2012-2017 (Chu kỳ I) theo Quyết định số 03/QĐ-KĐCLGD. Công tác chuẩn bị kiểm định chu kỳ II (2017 – 2022) được triển khai với việc kiện toàn mạng lưới nhân sự đảm bảo chất lượng; bổ sung, điều chỉnh các chính sách, quy trình, thủ tục đảm bảo chất lượng; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ đảm bảo chất lượng; Cử 4 cán bộ đã tham gia khóa “Đào tạo kiểm định viên” và được cấp chứng chỉ; Cử 45 cán bộ tham dự và được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn công tác đảm bảo chất lượng.
Giai đoạn 2017-2022, Học viện đã xây dựng 5 ngành mới đáp ứng chiến lược chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Giai đoạn 2017-2022, giáo viên, nghiên cứu viên thực hiện 2556 đề tài, dự án: 24 đề tài cấp Nhà nước; 98 đề tài cấp Bộ/thành phố; 927 đề tài cấp trường; 414 bài báo tạp chí quốc tế trong đó có 212 bài ISI, 97 bài Scopus.
Các nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện gồm học máy và ứng dụng; an toàn thông tin; chuỗi khối (blockchain); thông tin vô tuyến; toán ứng dụng và tính toán; công nghệ 5G và IoT và kinh tế số.
Năm 2022, Học viện được bình xét ở hạng mục Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc năm 2021 và được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu đến năm 2025, Học viện tập trung vào phát triển hệ thống quản trị số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; cung ứng các dịch vụ giáo dục và đào tạo 100% trên nền tảng công nghệ giáo dục số; thành lập “Trường đào tạo công nghệ số” và phát triển hệ sinh thái số tương tác sinh viên Học viện doanh nghiệp xã hội./.